Nhiều tỉnh miền Trung cấm biển tránh bão số 10
Để ứng phó với cơn bão số 10 được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh Nam Trung Bộ, từ ngày 3/11, nhiều tỉnh đã cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động trên biển.
Ngày 3/10, ông Trần Hữu Thế, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ký ban hành lệnh cấm biển. Theo đó, thời gian thực hiện cấm biển từ 9 giờ ngày 4/11. Chủ tịch UBND huyện Tuy An, thị xã Đông Hòa, thị xã Sông Cầu và TP.Tuy Hòa phải thông báo cấm các tàu, thuyền ra khơi, các hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ven bờ và trên biển.
UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu: Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá phối hợp với các địa phương ven biển theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình diễn biến của bão để chủ động thông báo cho ngư dân, chủ phương tiện tàu, thuyền hoạt động hành nghề đánh bắt trên biển trở lại sau bão, có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, đảm bảo an toàn khi hành nghề.
Bên cạnh việc ban hành lệnh cấm biển, UBND tỉnh Phú Yên cũng có công điện yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình bão, mưa lũ, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp để ứng phó bão số 10 và mưa lũ kịp thời, hiệu quả; kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực ven biển, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, ngập lụt để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước, thời gian hoàn thành trước 18h ngày 4/11/2020.
Các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn..., thực hiện biện pháp cảnh báo như cắm biển báo, khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn... để người dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại.
Cũng trong chiều 3/11, ông Trần Văn Phúc – Quyền Giám đốc Sở NN - PTNT, Phó trưởng Ban PCTT và TKCN tỉnh Bình Định đã ký văn bản yêu cầu UBND các huyện Phù Mỹ, Phú Cát, Tuy Phước, thị xã Hoài Nhơn, TP.Quy Nhơn cùng với Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh Bình Định phối hợp triển khai thực hiện nghiêm túc lệnh cấm biển từ 17h ngày 3/11 cho đến khi có thông báo mới.
Cũng theo Ban PCTT và TKCN tỉnh Bình Định, trong số 72 tàu cá đang hành nghề đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, đến 9h sáng 3/11 còn 9 tàu cá nằm trong tầm nguy hiểm. Bộ đội biên phòng, Chi cục thủy sản tỉnh Bình Định và Đài thông tin duyên hải Quy Nhơn đã kết nối liên lạc, hướng dẫn 9 tàu cá nêu trên khẩn trương vận hành ra khỏi tầm nguy hiểm của bão số 10. Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn tập trung theo dõi diễn biến cơn bão để hướng dẫn cho 28 tàu vận tài biển và 12 tàu dịch vụ hậu cần đang hoạt động trong khu vực cảng Quy Nhơn đến nơi cần neo đậu để tránh bão.
Còn tại Đà Nẵng, UBND TP.Đà Nẵng có công điện gửi các cơ quan, ban ngành về việc ứng phó với cơn bão số 10. Công điện yêu cầu, UBND các quận, huyện tập trung triển khai Chỉ thị số 02/CT về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020.
Chủ tịch UBND các quận, huyện, đặc biệt các quận ven biển phải sẵn sàng triển khai ngay phương án sơ tán các hộ dân, sinh viên, công nhân sống trong các nhà trọ, nhà tạm, nhà không kiên cố, nhà khu vực ven biển, các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét… đến nơi an toàn. Tổ chức chằng chống nhà cửa, mái nhà, chằng chống cây xanh theo phân cấp quản lý. Tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, nghiêm cấm không cho người ở lại trên lồng bè khi thiên tai, có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản.
Công an TP.Đà Nẵng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết. Kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã có công điện khẩn gửi các đơn vị liên quan tập trung ứng phó với bão số 10 trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên để kịp thời thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu chủ động phòng tránh.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tổ chức hướng dẫn việc neo đậu tàu, thuyền tại các khu tránh trú; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra, quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu, thuyền; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn đối với các hoạt động du lịch, trên các đảo và lồng bè thủy hải sản ven biển.
Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt. Các địa phương rà soát các khu vực cầu, ngầm, tràn... thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có thiên tai xảy ra.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 174 vị trí có nguy cơ sạt lở cao, nằm trong khu vực cư trú của khoảng 23.350 người dân thuộc các địa phương trong tỉnh.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, đến 10h ngày 3/11, toàn tỉnh có 203 tàu với 1.547 lao động hoạt động đánh bắt trên biển, gồm 32 tàu/287 lao động hoạt động tại vùng biển Trường Sa; 39 tàu/336 người hoạt động vùng biển phía Nam; 132 tàu/924 lao động vùng biển Phú Yên đến Bình Thuận. Hiện các tàu này đã nắm được thông tin về bão số 10, chủ động phòng, tránh an toàn. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 2.817 bè nuôi hải sản với khoảng 13.617 lao động.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, hồi 04h ngày 4/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,6 độ Vĩ Bắc; 113,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 320km về phía Nam Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 140km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km. Đến 04h ngày 5/11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,9 độ Vĩ Bắc; 111,4 độ Kinh Đông, cách Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 116,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Đến 04h ngày 6/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 108,9 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Từ đêm nay (4/11) đến 6/11, ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định có mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt; ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Từ ngày 5-7/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Nhật Hạ