Nhiều thành phố trên thế giới thờ ơ với biến đổi khí hậu
Theo số liệu từ Tổ chức phi lợi nhuận quốc tế về môi trường CDP, hiện tại có khoảng 43% thành phố trên toàn thế giới chưa có kế hoạch để đối phó với những hiểm họa của biến đổi khí hậu và giữ an toàn cho người dân.
Trong 10 năm qua, số lượng các thành phố đã gia tăng gấp 17 lần, theo công bố trên hệ thống Báo cáo Thống nhất của CDP-ICLEI. Cụ thể, từ 48 thành phố vào năm 2011 đã tăng lên 812 thành phố vào năm 2020.
Thực tế, ngày càng có nhiều thành phố chủ động đo lượng khí thải và đặt ra các mục tiêu cho toàn thành phố. Theo đó, các thành phố đang xây dựng khả năng chống chịu với mối đe dọa từ biến đổi khí hậu như trồng cây phủ xanh hay phát triển cơ sở hạ tầng chống chịu với hiểm họa...
Sau khi thu thập dữ liệu được các công ty, thành phố, các tiểu bang và khu vực trên thế giới cung cấp liên quan đến những tác động môi trường, phân tích hơn 800 thành phố trên toàn cầu, CDP nhận thấy rằng gần một nửa các thành phố trên thế giới cho đến nay chưa có kế hoạch thích ứng với những thách thức của biến đổi khí hậu.
Theo CDP, có đến 93% thành phố được báo cáo đang phải đối mặt với những hiểm họa khí hậu nghiêm trọng khiến người dân và cơ sở hạ tầng của họ gặp rủi ro. Tuy nhiên, hiện tại 43% thành phố chưa có kế hoạch thích ứng để đối phó với những hiểm họa này và giữ an toàn cho người dân bất chấp các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ lũ lụt, sóng nhiệt và ô nhiễm...
Nhiều thành phố trên thế giới đang đẩy nhanh quá trình khử carbon và tìm kiếm tài trợ cho các dự án từ giao thông đến năng lượng tái tạo và quản lý nguồn nước... Tuy nhiên, 41% thành phố đã không thực hiện đánh giá rủi ro khí hậu và tính dễ bị tổn thương (CRVA) - một bước quan trọng trong việc chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với khí hậu.
Phần lớn lượng khí thải của một thành phố thường đến từ các nguồn không được kiểm soát. Các thành phố đang vượt qua thách thức này bằng cách chọn hợp tác với các bên liên quan khác. Cụ thể, 76% thành phố đang làm việc với các tổ chức tư nhân về các dự án bền vững hoặc đang có kế hoạch hợp tác trong 2 năm tới.
Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các quốc gia trên thế giới đã nhất trí kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu vẫn diễn ra ngày càng ngày phức tạp và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Việc tiết lộ dữ liệu môi trường một cách chính xác và kịp thời là điều cần thiết để đặt ra các mục tiêu nhằm thực hiện hành động mạnh mẽ và hiệu quả tiến trình hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C.
Nguyễn Luận