Thứ năm, 25/04/2024 12:00 (GMT+7)
Thứ tư, 19/05/2021 06:10 (GMT+7)

Nhiều thành phố có chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại rất cao

Theo dõi KTMT trên

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia cực tím. Việc tiếp xúc quá lâu với tia cực tím sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, gây ra ức chế hệ thống miễn dịch.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, ngày 18/5, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại ở các thành phố tại Trung Bộ và Nam Bộ ở ngưỡng rất cao, còn tại khu vực Bắc Bộ nguy cơ gây hại ở mức cao.

Cụ thể, Thủ đô Hà Nội là 6.9; Thành phố Hải Phòng là 6.5; Thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) là 6.5; Thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế) là 9.4; Thành phố Đà Nẵng là 9.8; Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là 9.6; Thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là 9.5; TP.HCM là 9.0; Thành phố Cần Thơ 8.6; Thành phố Cà Mau (tỉnh Cà Mau) là 8.6. 

Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0-2 được xem là thấp, chỉ số UV từ 8-10 có nguy cơ gây hại rất cao. Đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm. Thời điểm xuất hiện chỉ số UV cực đại thường xảy ra từ 10h đến 13h.

Nhiều thành phố có chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại rất cao - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tia cực tím có thể xuyên qua mây và các loại cửa kính, nếu da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian 25 phút khi chỉ số tia cực tím ở ngưỡng rất cao sẽ gây bỏng. Ở ngưỡng cực kỳ cao, tia cực tím gây ra những nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.

Theo bác sĩ Lê Đức Thọ - chuyên khoa da liễu, bức xạ tia UV và các bức xạ khác (có trong ánh sáng mặt trời) rất nguy hại, có thể gây một số bệnh về da như sạm da, lão hóa da, bỏng nắng, ung thư da và các bệnh về mắt như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm.

Dự báo, từ ngày 19-21/5, chỉ số UV cực đại tại các thành phố ít thay đổi, duy trì ở ngưỡng có nguy cơ gây hại cao ở miền Bắc, nguy cơ gây hại rất cao ở miền Trung và miền Nam. Trong đó, cao nhất là thành phố Đà Nẵng (với mức chỉ số là 9.8), thấp hơn là thành phố Hội An (Quảng Nam) với ngưỡng 9.6, thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) là 9.5, thành phố Huế (Thừa Thiên-Huế) là 9.4, TP.HCM là 9.0. 

Vì vậy, tại thời điểm nắng nóng kéo dài, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần có các biện pháp chủ động để bảo vệ cơ thể khỏi tác hại của tia cực tím như hạn chế ra nắng giờ cao điểm, tránh nắng trong bóng râm. Khi ra nắng, mọi người nên đội mũ, đeo kính mắt, mặc quần áo chống nắng, sử dụng kem chống nắng loại có quang phổ rộng với các chỉ số SPF 30 trở lên, PA +++, nên bôi lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ hoặc sau khi bạn tiếp xúc với nước để đảm bảo hiệu quả bảo vệ da.

Bên cạnh đó, ngoài uống đủ nước, ăn rau củ quả tươi, mọi người có thể bổ sung nước khoáng, nước ép trái cây giàu vitamin.

Theo Bác sỹ Đặng Bích Diệp, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tia UV trong ánh nắng mặt trời là nhân tố chính tấn công và gây tổn thương đến làn da. Theo đó, gây lão hóa da, làm tổn thương tế bào trên các lớp da, gây khô da, tăng sắc tố, bỏng da, làm hư hại lớp đệm là sợi collagen. Tia tử ngoại UV có thể làm tổn thương ADN, dần dần sinh ung thư da.

Thời điểm chỉ số UV đạt đỉnh trong ngày là từ 10h đến 14h. Vì thế, người dân nên hạn chế ra đường vào thời điểm ánh nắng sẽ gây nguy hiểm nhất cho làn da. Đặc biệt, những người có tiền sử ung thư da thì làn da sẽ nhạy cảm với tia UV hơn nên cần cảnh giác và có biện pháp phòng hộ kỹ lưỡng hơn so với khuyến nghị chung, bác sỹ Diệp chia sẻ thêm.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Nhiều thành phố có chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại rất cao. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống
Đây là chủ đề của chương trình hiến máu tình nguyện, được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 24/4.