Thứ năm, 28/03/2024 15:43 (GMT+7)
Thứ ba, 22/12/2020 11:55 (GMT+7)

Nhiều khởi sắc sau 4 năm đóng cửa rừng tự nhiên

Theo dõi KTMT trên

Yêu cầu về đóng cửa rừng tự nhiên xuất phát từ vai trò của rừng, từ hiện trạng của rừng và đòi hỏi phát triển bền vững. Sau 4 năm triển khai thực hiện, việc đóng cửa rừng tự nhiên đã mang lại kết quả tích cực.

Sau Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, tổ chức tại tỉnh Đắk Lắk ngày 20/6/2016 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, ngày 22/7/2016, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 191/TB-VPCP về việc thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên của Thủ tướng Chính phủ.

Vai trò của rừng thể hiện trên nhiều mặt. Về kinh tế, rừng liên quan trực tiếp đến thu nhập, đời sống hàng ngày của hàng chục triệu người sống bởi nghề rừng, hàng mấy triệu người lao động liên quan đến khai thác, chế biến xuất khẩu sản phẩm của rừng. Quan trọng không kém về kinh tế, việc bảo vệ và phát triển rừng còn đóng góp vào việc bảo vệ và cải thiện môi trường - từ việc giữ nước, ngăn lũ, bảo vệ đất, chống sa mạc hóa, chắn cát, chắn sóng, chắn bão, bảo vệ động thực vật quý hiếm, điều hòa không khí.

Nhiều khởi sắc sau 4 năm đóng cửa rừng tự nhiên - Ảnh 1

Thực hiện đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên, từ năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã hướng dẫn các địa phương không cấp chỉ tiêu, đóng cửa khai thác chính gỗ rừng tự nhiên trên toàn quốc, kể cả các đơn vị có chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế. Đồng thời, phối hợp với Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các địa phương, chủ rừng triển khai thực hiện dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2242/QĐ-TTg. Tổng kinh phí đã hỗ trợ trong 4 năm (2015-2018) đạt 332.180 triệu đồng.

Bên cạnh đó, dừng việc cấp chỉ tiêu khai thác gỗ gia dụng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ khác và sử dụng vật liệu thay thế. Việc khai thác tận dụng gỗ chỉ thực hiện đối với diện tích rừng được phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Nhiều chuyển biến tích cực

Sau 4 năm triển khai thực hiện, việc đóng cửa rừng tự nhiên đã mang lại kết quả tích cực.

Nếu như giai đoạn 2011-2015, bình quân mỗi năm cả nước phát hiện 27.265 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 2.648 ha/năm.

Đến giai đoạn 2016-2018, số vụ vi phạm giảm 35%, diện tích rừng bị thiệt hại bình quân 2.328 ha/năm, giảm 29% so với bình quân 5 năm 2011 - 2015. Các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, trong đó xử lý hình sự 363 vụ.

Giai đoạn 2016-2018 cả nước trồng được gần 628.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng trên 44.000 ha, rừng sản xuất hơn 577.000 ha.

Sản lượng khai thác rừng trồng tập trung đạt 54 triệu m3 gỗ (năm 2016 là 17,5 triệu m3, năm 2017 là 18 triệu m3, năm 2018 là 18,5 triệu m3).

Năm 2019, tổng diện tích đất có rừng toàn quốc trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng trên 4,3 triệu ha.

Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỉ lệ che phủ toàn quốc trên 13,8 triệu ha, tỉ lệ che phủ  đạt 41,89%, tăng 0,70% so với năm 2016.

Khu vực phía Bắc bao gồm 31 tỉnh (4 tỉnh vùng Tây Bắc, 13 tỉnh vùng Đông Bắc, 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ), với tổng diện tích có rừng  8.793.961 ha, chiếm 60,68% diện tích rừng cả nước; tỉ lệ che phủ rừng bình quân các tỉnh năm 2018 là hơn 49,9%.

Tính đến tháng 11/2019, các tỉnh phía Bắc phát hiện  5.912 vụ vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, giảm 662 vụ (tương đương 10%) so với cùng kỳ năm 2018.

Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích có rừng ở Tây Nguyên là hơn 2,5 triệu ha.

Chất lượng rừng bị suy giảm

Tuy nhiên, việc bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, bất cập. Tổng diện tích bị cháy, bị chặt phá còn lớn (trong giai đoạn 2011 - 2015 là 3816,6 ha/năm, giai đoạn 2016 - 2019 là 2658 ha/năm).

Trong khi đó, khai thác gỗ có khối lượng khá lớn và tăng rất nhanh. Nếu năm 2005 mới khai thác gần 2,7 triệu m3 gỗ, thì năm 2019 đạt gần 16,1 triệu m3. Trong 6 tháng đầu năm 2020 đã khai thác 7,53 triệu m3, tăng 2% - tuy thấp hơn thời kỳ 2006 - 2019, nhưng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng diện tích trồng rừng (0,2%). Điều đó chứng tỏ tỉ lệ che phủ rừng tuy không giảm, thậm chí có năm còn tăng, nhưng chất lượng rừng giảm.

Nhiều khởi sắc sau 4 năm đóng cửa rừng tự nhiên - Ảnh 2
Việc bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, bất cập.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 1998 mới đạt 125 triệu USD, thì năm 2004 đạt hơn 1,1 tỉ USD, năm 2019 đạt hơn 10,6 tỉ USD. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 4,98 tỉ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế, trong tổng diện tích rừng, diện tích giao cho người dân chỉ chiếm 4%, còn 96% giao các tổ chức, nhưng việc quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ. Nhiều diện tích rừng giao rồi, nhưng do lực lượng mỏng, cùng với tình trạng tiêu cực, tham nhũng, bảo kê, bao che dẫn đến mất rừng diễn ra tương đối phổ biến.

Trong khi đó, cơ chế, chính sách quản lý rừng còn nhiều sơ hở. Tình trạng điều tra, truy bắt băng nhóm phá, tiêu thụ gỗ rừng chưa thật quyết liệt. Tình trạng cấp phép cho chuyển rừng tự nhiên sang mục đích khác; cho chuyển rừng nghèo, rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp cũng diễn ra không ít. Một kẽ hở nữa là, cấm xuất khẩu gỗ tròn, nhưng chưa cấm gỗ tự nhiên đã qua chế biến.

Trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới

GS Nguyễn Ngọc Lung cho rằng, để tiếp tục quản lý chặt chẽ, bảo vệ toàn bộ diện tích rừng tự nhiên hiện có, Chính phủ cần tăng cường lực lượng kiểm lâm và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật liên quan. "Việt Nam nên tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên vĩnh viễn, qua đó thể hiện quyết tâm và tầm nhìn dài hạn cho vấn đề này", ông kiến nghị.

Ngoài ra, để bảo vệ rừng đi đôi với phát triển kinh tế, GS Lung nói các địa phương cần mở rộng dịch vụ rừng, đầu tư du lịch sinh thái để lấy kinh phí nâng cấp, mở rộng trồng rừng.

Năm 2020, lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, gieo đau thương tang tóc lên đồng bào miền Trung, nhiều chuyên gia cho rằng, mất rừng là nguyên nhân chính. Rừng bị phá tàn khốc, thảm thực vật bị mất đi, nên lũ về miền Trung mới lớn như vậy, liên tiếp gây ra sạt lở nghiêm trọng.

Nhiều khởi sắc sau 4 năm đóng cửa rừng tự nhiên - Ảnh 3
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu trồng thêm 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới.

Trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV ngày 10/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Bão lũ và sạt lở đất ở miền Trung gần đây hay vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên do biến đổi khí hậu cực đoan, do địa hình dốc đứng, do sự tác động của con người… và điều này đã tạo ra nhiều tranh luận, song dù bất luận nguyên nhân trực tiếp là gì thì chúng ta vẫn phải tiếp tục bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, một cách nghiêm ngặt”.

“Chúng ta phải tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết Trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ. Hướng đến lời dạy đó, tôi đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có các khu đô thị”.

Có thể nói, sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh mà Thủ tướng nêu trước Quốc hội vừa qua không chỉ là đề xuất, mà còn là “mệnh lệnh trái tim”. Đối với đất nước “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu thì trồng cây, phục hồi rừng cũng là yêu nước. Trồng rừng là khẩn cấp như một hành động vệ quốc.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Nhiều khởi sắc sau 4 năm đóng cửa rừng tự nhiên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

ĐHĐCĐ 2024 Tập đoàn GELEX diễn ra thành công
Sáng 28/3/2024, Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn GELEX đã diễn ra tại Hà Nội. Với sự đồng thuận và nhất trí cao, Đại hội đã thông qua toàn bộ các báo cáo, tờ trình và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cùng VPBank khám phá lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France
Từ ngày 5 đến 7/4/2024, lễ hội ẩm thực Pháp Balade en France với quy mô lớn nhất từ trước đến nay sẽ diễn ra tại công viên Thống Nhất. Lễ hội với quy mô tăng gấp rưỡi so với năm ngoái, nhằm quảng bá ẩm thực Pháp và Thế vận hội Mùa hè Paris 2024.