Nhiều giải pháp phục hồi, phát triển, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Đồng Nai trong năm 2024
Kinh tế của tỉnh Đồng Nai đã gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, bước sang năm 2024 tỉnh đã đưa ra các giải pháp nhằm phục hồi, phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Mục tiêu tăng trưởng GRDP của tỉnh Đồng Nai năm 2023 không đạt được so với mục tiêu nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai về kinh tế - xã hội là từ 7,5% đến 8,5% đề ra khi chỉ đạt mức 5,3%. Tuy nhiên, đây cũng là sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong năm kinh tế được dự báo là khó đạt được như kỳ vọng.
Năm 2023, tỉnh Đồng Nai cũng có một số điểm sáng về kinh tế đó là thu hút đầu tư nước ngoài, trong nước cao, các doanh nghiệp trong nước tăng vốn cho các dự án cũng như đẩy nhanh các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Những điểm sáng này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế Đồng Nai hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2024.
Theo khảo sát, đánh giá của Cục Thống kê Đồng Nai, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thu hút đầu tư nước ngoài những năm gần đây tiếp tục đạt kết quả cao hơn mục tiêu đặt ra. Các loại hình doanh nghiệp chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh để mở rộng quy mô sản xuất, các công trình trọng điểm về hạ tầng và giao thông có vốn đầu tư lớn tiếp tục được triển khai thực hiện. Điển hình là các dự án lớn, siêu dự án đã và đang thi công trên địa bàn tỉnh như sân bay quốc tế Long Thành; dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4; các tuyến cao tốc, đường vành đai 3; cầu, cảng Phước An…
Theo Sở KH-ĐT, năm 2023, Đồng Nai đã cấp mới, điều chỉnh tăng, giảm vốn cho các dự án của DN trong nước với khoảng 12,34 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 4,6 lần so với năm 2022. Trong đó, riêng thu hút các dự án mới gần 6,5 ngàn tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm trước; tương tự vốn bổ sung cũng tăng tới 4,3 lần.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp giảm sút thì việc đầu tư vào địa phương cho thấy các doanh nghiệp cũng rất coi trọng tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đồng Nai.
Cùng với sự quan tâm của doanh nghiệp, để thúc đẩy môi trường đầu tư trên địa bàn, trong năm qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều hoạt động lớn như tổ chức hội nghị góp ý quy hoạch tỉnh; hội nghị giới thiệu tiềm năng, thu hút đầu tư vào vùng phụ cận sân bay Long Thành…
Bước sang năm 2024, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành 31 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trong đó, một số chỉ tiêu quan trọng là: tăng trưởng GRDP từ 6,5-7% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người đạt 148 triệu đồng/người; kim ngạch xuất khẩu tăng 8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 124 ngàn tỷ đồng; thu ngân sách đạt dự toán Chính phủ giao…
Phát biểu tại Hội nghị giao chỉ tiêu, kế hoạch năm 2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, năm 2024 là năm có tính bản lề, quyết định đối với việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Do đó, các cấp, các ngành tập trung động viên và xây dựng tinh thần lao động hết mình của đội ngũ công chức, viên chức, tư duy phát triển bền vững, thượng tôn pháp luật, vững vàng vượt qua khó khăn, vươn lên mạnh mẽ. Một trong những nhiệm vụ cơ bản là phải triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 ngay từ đầu năm, tuyệt đối không bố trí vốn cho các dự án chưa có đất sạch. Đồng thời, đối với công tác đầu tư cần có sự lựa chọn chặt chẽ, hỗ trợ các nhà đầu tư có tâm huyết, chất lượng vào đầu tư trên địa bàn, các dự án có giá trị gia tăng cao, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Đồng Nai và chất lượng sống người dân.
Ông Võ Tấn Đức quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng nai đề nghị các đơn vị liên quan nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Từng cán bộ, công chức phải có thái độ đúng mực trong thực thi công việc, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở hoạt động chính đáng của người dân và doanh nghiệp.
Phạm Thạch