Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chuyển đổi số thế nào?
Với 40% của tất cả các tìm kiếm di động là dành cho các doanh nghiệp địa phương và 60% sẽ không truy cập hoặc giới thiệu doanh nghiệp sau khi gặp sự cố với trang web di động… một yêu cầu chuyển đổi số cấp thiết đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Các doanh nghiệp khác cùng chuyển mình trong kỷ nguyên số
Chuyển đổi số doanh nghiệp vừa và nhỏ là việc tích hợp công nghệ số vào quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm và làm hài lòng khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Sự phát triển của công nghệ giúp các thiết bị di động ngày càng trở nên thông minh hơn. Cũng chính vì vậy mà khách hàng đang mong đợi nhiều hơn ở những trải nghiệm trên thiết bị di động.
Hiện Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, sử dụng 51% lao động và đóng góp hơn 40% GDP. Với đóng góp như vậy, vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ.
Theo thông tin cho biết, ngày 26/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2021/NÐ-CP, đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã triển khai một số Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, nhằm vượt qua đại dịch và hướng tới mô hình kinh doanh bền vững.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, một số doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số đã đạt những thành quả nhất định, từ đó đưa ra những giải pháp cho các doanh nghiệp khác cùng chuyển mình trong kỷ nguyên số.
Cụ thể như Công ty TNHH may Phú Tường tại thị xã Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành dệt may miền Trung thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị sản xuất từ khâu tiếp nhận vật tư, nguyên vật liệu cho đến khi hoàn tất đơn hàng xuất đi nước ngoài.
Lâu nay, quy trình quản lý của doanh nghiệp chủ yếu theo phương thức thủ công, đơn giản cho nên không quản lý được số lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ công nhân, số lượng hàng hóa, lượng nguyên vật liệu, tiến độ của các bộ phận và chất lượng sản phẩm, ra quyết định chậm trễ do không có dữ liệu. Từ khi áp dụng nền tảng quản trị sản xuất Retex, Công ty TNHH may Phú Tường đã giải quyết được những tồn đọng thường gặp trong công tác quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ðăng Ðức, Trợ lý Giám đốc Công ty TNHH Phú Tường: Từ ngày lắp đặt hệ thống này, các quy trình sản xuất ở xưởng được vận hành trơn tru hơn, nếu phát sinh lỗi hay bất kỳ vấn đề gì cần hỗ trợ đều được xử lý tức thì. Hệ thống này giúp quản lý tốt năng suất của mỗi dây chuyền cũng như nguyên liệu đầu vào, đầu ra.
Yody là một thương hiệu thời trang với hơn 160 cửa hàng trên cả nước, 6 văn phòng và quy mô nhân sự khoảng hơn 4.000 người. Trước khi chuyển đổi số, Yody gặp không ít khó khăn khi phải quản lý dữ liệu thông tin về hồ sơ nhân sự từ xa, gây tốn kém thời gian và chi phí. Yody đã lựa chọn nền tảng 1Office để số hóa toàn bộ quy trình công việc và quản lý nhân sự.
Áp dụng nền tảng 1Office, Yody đã giải quyết được bài toán mang tính khác biệt của mình, như: Dữ liệu nhân sự được cập nhật kịp thời, chính xác; các đơn từ duyệt chi được chuyển từ giấy tờ sang phần mềm một cách nhanh, đầy đủ và giảm thất thoát do việc chấm công từ ứng dụng excel sang phần mềm bảo đảm tính chính xác lương cho nhân viên, mà trước đó việc chấm công bằng excel có thể bị nhầm lẫn. Việc số hóa, lưu trữ giúp tra cứu thông tin, tình trạng làm việc, hợp đồng và nhiều tác vụ khác. Toàn bộ tất cả tác vụ tra cứu, quản lý nhân sự, chấm công được thực hiện trực tuyến một cách hiệu quả trên nhiều loại thiết máy tính, điện thoại thông minh và mọi lúc, mọi nơi, anh Ðinh Trung Sơn, Giám đốc nhân sự của Yody chia sẻ.
Cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ chuyển đổi số
Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho hay, yếu tố quan trọng nhất trong chuyển đổi số là nhận thức, phụ thuộc vào người đứng đầu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngoài xu thế chung, họ cần phải thay đổi, ứng dụng từ phương thức sản xuất cho đến đầu ra của các sản phẩm. Vì vậy, cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ thực hiện chuyển đổi số, tạo động lực cho họ vì mục tiêu phát triển kinh tế chung.
Cùng với đó, để thực hiện mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung chuyển đổi số, thì chính quyền cần nỗ lực cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh lên môi trường số. Cùng với đó, an toàn, an ninh mạng cần được bảo đảm để bảo vệ thành quả của chuyển đổi số.
Với lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Việt Nam có đủ điều kiện mà nhiều quốc gia không có được để xây dựng và làm chủ một hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; là động lực để thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Huyền Diệu