Thứ tư, 01/05/2024 03:37 (GMT+7)
Thứ năm, 09/06/2022 16:55 (GMT+7)

Nhiều dấu hiệu cho thấy lũ sẽ về miền Tây năm 2022

Theo dõi KTMT trên

Theo Ủy hội sông Mekong, nếu mưa vẫn tiếp tục và giảm thiểu tích nước ở đập thủy điện thượng nguồn, sông Mekong có thể có được nhịp lũ bình thường sau nhiều năm không có lũ.

Số liệu của Ủy hội sông Mekong (MRC) cho thấy, mực nước sông Mekong tại Pakse (Lào) vào ngày 5/6 là 4,74 mét, tăng so với mức nước trung bình 2,1 mét và so với cùng kỳ năm 2021 là 2,08 mét, năm 2020 mới 1,8 mét.

Theo thông tin từ MRC, sông Mekong đoạn chảy qua tỉnh Champasak, phía nam Lào hiện giờ nước sông đang chảy nhanh và chuyển sang màu nâu. Do đó MRC nhận định: “Mùa lũ của chúng tôi đã bắt đầu vào tuần này”.

Cũng theo số liệu của Dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mekong (MDM) cho thấy, tháng 6 đánh dấu mùa mưa chính thức bắt đầu trên lưu vực sông Mekong.  Số liệu đo đạc của các trạm trên lưu vực sông Mekong trong tuần đầu tháng 6 cho thấy, mực nước trung bình đều cao hơn cùng kỳ. Cụ thể, mực nước tại điểm đầu nguồn biển Hồ (Campuchia) cao hơn 1,68 mét so với cùng thời điểm năm 2021. Đây chính là yếu tố khiến các chuyên gia cho rằng, có nhiều dấu hiệu tốt cho sự bắt đầu của mùa mưa lũ năm nay.

Nhiều dấu hiệu cho thấy lũ sẽ về miền Tây năm 2022 - Ảnh 1
Lũ về đúng mùa mang lại nhiều tác động tích cực cho ĐBSCL.

Các chuyên gia về khí tượng, thủy văn cho rằng, nguyên nhân khiến mực nước cao hơn so với cùng kỳ chủ yếu là do các cơn mưa trái mùa vào tháng 4 và tháng 5. Đồng thời, việc xả đập ở thượng nguồn làm dâng cao mực nước sông có thể gây ra một tác động nhỏ ở điểm đầu nguồn Biển Hồ.

Đồng thời MDM cũng đưa ra dự báo, nếu mưa vẫn tiếp tục và giảm thiểu tích nước ở đập thủy điện thượng nguồn, sông Mekong có thể có được nhịp lũ bình thường hoặc thậm chí trên mức trung bình trong năm nay - lần đầu tiên kể từ năm 2018.

Cũng theo ghi nhận của MDM, trong tuần qua các đập ở hạ lưu sông Mekong đang bắt đầu tích nước đầy các hồ chứa, trong khi các đập của Trung Quốc tiếp tục xả nước. Điều này một phần trung hòa cách các đập tác động đến dòng chảy chung của sông Mekong do lượng nước tích trữ ở thượng nguồn chỉ cao hơn một chút so với lượng nước trữ ở hạ lưu. Các đập lớn của Trung Quốc vẫn có thể xả tới 8 tỉ mét khối nước trong tháng tới trước khi tích nước trở lại.

Còn theo số liệu của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tuần đầu tháng 6, Nam bộ ghi nhận lượng mưa phổ biến từ 30 - 60 mm, có nơi như Biên Hòa (Đồng Nai) lên đến 163 mm, Trà Nóc (Cần Thơ) lên đến 119 mm… Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Từ nay đến giữa tháng 6, mưa tiếp tục cao và tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long tăng dần và cao hơn trung bình nhiều năm 50 - 60%.

Các chuyên gia khí tượng thủy văn cho rằng, năm nay mưa trái mùa nhiều và mùa mưa đến sớm cộng với việc thủy điện xả nước làm cho mực nước sông Mekong năm nay luôn duy trì mức cao và các tín hiệu lũ đến sớm. Đây là những tín hiệu tích cực không chỉ riêng với người dân Đồng bằng sông Cửu Long mà của người dân trên toàn lưu vực sông Mekong. Tuy nhiên đối với mùa lũ miền Tây Nam bộ, để chắc năm nay lũ thế nào thì phải chờ đến tháng 8. Tuy nhiên với tình trạng La Nina kéo dài gây mưa nhiều như hiện nay thì chúng ta có thể hy vọng giải cơn “khát lũ” kéo dài nhiều năm qua.

Nước sông Mekong cao bất thường vào mùa khô năm 2022

Theo ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nước sông Mekong trong mùa khô năm 2022 cao hơn bình thường do các đập thủy điện trên sông Mekong tích nước nhiều trong mùa mưa năm 2021. Cuối mùa nước năm 2021 thì 45 đập đã gần đầy nước. Đến mùa khô năm 2022, các đập thủy điện trên lưu vực xả nước để phát điện làm cho dòng chảy mùa khô trên sông Mekong cao hơn bình thường.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, tác động tích cực trước mắt là làm giảm hạn mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực rất nhiều, ảnh hưởng lâu dài, khó thấy hơn.

Thứ nhất, việc xả lũ trong mùa khô làm cho dòng chảy lũ bị yếu đi, không còn đủ sức mạnh để tải phù sa, cát về Đồng bằng sông Cửu Long nữa. Chúng ta biết phù sa, cát về Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là nhờ dòng nước mạnh vào tháng 7, 8, 9. Nay vì các đập tích nước thì dòng nước không còn đủ mạnh nữa. Việc thiếu phù sa gây nguy cơ sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gia tăng gây tổn thất về sạt lở, mất nhà cửa, tài sản, tính mạng của người dân ngày càng trầm trọng hơn.

Thứ hai, việc tích nước mùa lũ làm biến mất mùa lũ, đất đai bạc màu, biến mất nguồn thủy sản tự nhiên mùa lũ.

Thứ ba, việc xả lũ trong mùa khô từng đợt làm cho mực nước biến động bất thường, làm hệ sinh thái bị rối loạn.

Thứ tư, việc xả nước giúp đẩy hạn mặn cho Đồng bằng sông Cửu Long nhưng làm cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long không yên với việc xả bất thường.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Nhiều dấu hiệu cho thấy lũ sẽ về miền Tây năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).