Nhân lực về điện hạt nhân đang thiếu cả số lượng lẫn chất lượng
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân đang thiếu cả về số lượng và chất lượng.
Ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân”.
Theo Bộ trưởng, để phục vụ cho chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực kể cả trong ngắn và dài dạn là vô cùng cần thiết kể cả nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân cho đến nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các dự án điện hạt nhân.
“Trước đây, mới tính đến 1-2 nhà máy chúng ta đã cần vài ngàn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, nếu phát triển nhiều nhà máy hơn kể cả cho nhu cầu xuất khẩu nhân lực sang các nước trong khu vực thì vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng”, Tư lệnh ngành Công Thương nói.
Nhân lực về điện hạt nhân đang thiếu cả số lượng lẫn chất lượng
Báo cáo tại hội nghị, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nguồn nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật đầu đàn. Hiện số nhân lực khoa học và công nghệ về điện hạt nhân làm việc chủ yếu trong các cơ quan của Bộ Khoa học và Công nghệ, một số trường đại học, Viện nghiên cứu và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Bên cạnh đó, số lượng giảng viên đào tạo lĩnh vực hạt nhân còn ít; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, giảng dạy thiếu và lạc hậu, nên hoạt động đào tạo và phát triển nhân lực chuyên ngành hạt nhân còn rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng.
Ngoài nhân lực có chuyên môn trực tiếp liên quan đến điện hạt nhân (như công nghệ hạt nhân, công nghệ lò phản ứng,…) thì một lực lượng đáng kể (chiếm hơn 50%) nhân lực phục vụ cho dự án nhà máy điện hạt nhân thuộc các ngành, lĩnh vực khác, như: Cơ khí, hóa chất, vật liệu, điện, điện tử, điều khiển tự động, môi trường,… Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước có liên quan chưa có kinh nghiệm cũng như sự quan tâm đến đào tạo nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân.
Theo báo cáo của EVN, giai đoạn đến 2017 (trước khi dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận theo Nghị quyết số 31/2016/NQ-QH của Quốc hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử tổng cộng 429 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại các trường đại học của Liên Bang Nga, trong đó có 80 sinh viên là người Ninh Thuận; EVN đã cử tổng cộng 31 sinh viên đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân, cử đi đào tạo Lớp cán bộ khung gồm 24 kỹ sư tại Nhật Bản, đã làm việc với ROSATOM để xây dựng kế hoạch đào tạo chi tiết cho Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1.
"Tuy nhiên, hiện chưa có tài liệu rà soát, thống kê cụ thể về tình hình thực tế hiện nay đối với số nhân lực đã được đào tạo nêu trên. Nhìn chung chỉ một số ít trong số nhân lực nêu trên hiện đang làm việc tại EVN, còn phần đông làm việc ở nước ngoài hoặc chuyển sang các ngành, nghề khác", Vụ trưởng Lý Quốc Hùng thông tin.
Các cơ sở đào tạo kỹ sư về điện hạt nhân
Trình bày phiên tham luận tại Hội nghị, PGS. TS Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho biết, về đào tạo nhân lực cho lĩnh vực hạt nhân, cách đây 15 năm, Thủ tướng đã có Quyết định phê duyệt Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử".
Trường Đại học Điện lực là một trong 6 cơ sở đào tạo được tham gia vào đề án và đã tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo kỹ sư về điện hạt nhân. Cụ thể, từ năm 2010 - 2016, trường đã đào tạo kỹ sư điện hạt nhân trong lĩnh vực, mã ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. Đến năm 2018, trường đã phát triển trở thành ngành kỹ thuật hạt nhân riêng cho trường.
PGS.TS Đinh Văn Châu nhận định, theo thông lệ quốc tế, một nhà máy điện hạt nhân cỡ 1 GW điện cần nguồn nhân lực cho 3 bộ phận: Nhân lực vận hành, cơ bản cần 600 - 650 nhân lực; nhân lực bảo hành, bảo trì; nhân lực phục vụ.
Như vậy, một nhà máy điện hạt nhân về cơ bản sẽ cần khoảng từ 700 - 750 nhân lực, nếu có một tổ máy. Nếu số lượng tổ máy tăng lên mức từ 2 - 3, sẽ cần khoảng 600 - 1.000 nhân lực.
Số nhân lực được chia ở các bộ phận khác nhau, bao gồm bộ phận an toàn, pháp chế, vận hành. Trong đó, với bảo dưỡng, tất cả kỹ sư tham gia vào các bộ phận; đặc biệt, ở bộ phận kỹ thuật, các trường của Bộ Công Thương có thể đảm nhận được.
Để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cho rằng, các trường, viện căn cứ theo thế mạnh của những ngành đào tạo có liên quan. Hiện nay, Trường Đại học Điện lực đã đào tạo được khoảng 188 kỹ sư về ngành điện hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều học viên trong số đó đã chuyển sang ngành nghề khác, trong khi một số người vẫn ở lại nước ngoài học tập.
“Trên cơ sở như vậy, tôi đề nghị sau hội nghị này, Trường Đại học Điện lực sẽ phối hợp cùng với Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) để tập hợp, tổng kết các đơn vị có liên quan đến toàn bộ vấn đề nhân lực đã được đào tạo về lĩnh vực hạt nhân trong nước cũng như đang công tác tại nước ngoài. Chúng tôi sẽ xây dựng mạng lưới, kêu gọi, giúp đỡ cũng như tạo điều kiện thuận lợi để họ về tham gia vào các trường đại học. Đồng thời, tham gia trực tiếp quản lý dự án, vận hành dự án cho dự án điện hạt nhân” - PGS.TS Đinh Văn Châu cho biết.
Góp ý thêm, TS. Vũ Đức Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho hay, hiện nay, trường có 16 ngành đào tạo đại học và sau đại học, trong đó, có ngành vật lý hạt nhân. Tuy nhà trường chưa đào tạo điện hạt nhân, nhưng các ngành có liên quan giống như các trường là ngành cơ khí; cơ khí chế tạo; kỹ thuật điện, điện tử; công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động hóa; công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh và một số ngành cũng tương đồng với một số trường đại học ở Việt Nam.
Theo TS. Vũ Đức Bình, phát triển nhân lực ngành hóa học trong lĩnh vực điện hạt nhân là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả các ngành nghề điện hạt nhân. Cụ thể như về nước và hơi nước trong lò phản ứng hạt nhân, cần có nhân lực kiểm soát các chỉ số liên quan đến sự ăn mòn hóa học và tích tụ phóng xạ. Về vật liệu sử dụng trong môi trường bức xạ hạt nhân, cần được xử lý và bảo vệ chống ăn mòn. Với chất thải phóng xạ, có nguồn gốc từ nguyên nhiên liệu, vật nhân đã qua sử dụng, cần được xử lý hoặc tái chế.
Đồng thời, việc kiểm soát chất lượng nhiên liệu, vật liệu hạt nhân cần nhân lực có chuyên môn về kỹ thuật phân tích hóa chất. Trong nhà máy điện hạt nhân, việc kiểm soát an toàn hóa chất rất cần người có năng lực chuyên môn về hóa học để phòng ngừa và ứng phó với các sự cố hóa học, đảm bảo tốt nhất bảo vệ môi trường và giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
"Phòng thí nghiệm hóa học cá nhân cần người có năng lực thực hành và phân tích các mẫu phóng xạ", TS Vũ Đức Bình cho biết.
Trong khi đó, TS. Trần Hoàng Long, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp kiến nghị, Bộ Công Thương hỗ trợ, giới thiệu cho nhà trường tham gia vào những dự án liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất, cùng hợp tác với doanh nghiệp, tham gia vào các phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, các trường đại học cùng nhau chia sẻ về nguồn lực, cả về con người, chuyên gia, tài liệu, học liệu, phối hợp công tác giảng dạy.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, nguồn nhân lực khoa học, công nghệ về điện hạt nhân của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và chất lượng, nhất là các nhà khoa học, kỹ thuật hàng đầu. Số nhân lực khoa học - công nghệ về điện hạt nhân còn hạn chế, làm việc chủ yếu trong các cơ quan: Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam; Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ); Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh); Đại học Bách khoa Hà Nội; Viện Vật lý (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Đại học Đà Lạt; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trường Đại học Điện lực.
H.A