Thứ hai, 25/11/2024 06:59 (GMT+7)
Thứ năm, 04/04/2024 10:12 (GMT+7)

Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng thời gian qua

Theo dõi KTMT trên

Chính sách tiền tệ của FED, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam, nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu… là những nguyên nhân làm cho tỷ giá tăng nóng trong thời gian qua.

Ghi nhận vào sáng ngày 4/4, giá mua bán USD tại Vietcombank được niêm yết ở mức 24.760-25.130 đồng, tăng 2,9% so với đầu năm, tương ứng với 710 đồng. Vietinbank niêm yết giá mua bán USD ở mức 24.800-25.220 đồng. BIDV cũng đang niêm yết 24.815-25.125 đồng.

Ở một số ngân hàng, giá bán USD còn vượt mức 25.171 đồng được niêm yết tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước và gần áp giá trần được phép giao dịch 25.221 đồng.

Trên thị trường tự do, mặc dù chưa về mức đỉnh từng thiết lập (25.700 đồng), nhưng giá USD cũng dậy sóng tăng trở lại thời gian gần đây. Ghi nhận tại thị trường chợ đen, giá USD đang được mua bán ở mức 25.440- 25-540 đồng. Đây cũng được coi là mức cao từ trước đến nay.

Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, ngày 3/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, vấn đề tỷ giá đang hết sức nóng, đã có việc tăng giá trong thời gian vừa qua.

Theo ông Tú, tỷ giá năm 2023 có những lúc sôi động và việc điều hành tỷ giá năm 2023 cũng đã có lúc khó khăn vì những chính sách của thế giới đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta. Nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhiều hoạt động giao dịch vốn với quốc tế. Đầu năm 2024, trong quý I tỷ giá cũng nóng thêm. Đây là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cho rằng rất đáng được quan tâm, được điều hành một cách tập trung.

Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng thời gian qua - Ảnh 1
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: VGP.

Về lý do chính của tỷ giá tăng trong thời gian vừa qua, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng thứ nhất là Fed chưa đưa ra được thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc hạ lãi suất. Chính vì thế giá trị đồng USD trong những ngày vừa qua tăng rất cao; đồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá của đồng tiền các nước khác trên thế giới và trong khu vực. Chính vì thế có tác động đến đồng tiền của Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với đồng USD.

Thứ hai là chính sách hạ lãi suất của Việt Nam có thể nói là rất mạnh trong thời gian vừa qua. Vì thế đã và đang tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, tiếp tục duy trì âm nghĩa là lãi suất Việt Nam thấp hơn so với lãi suất đồng USD trên thị trường liên ngân hàng. Chính điều đó cũng là một trong áp lực làm đồng USD nóng lên.

Thứ ba, trong 3 tháng đầu năm cũng có tín hiệu tích cực đó là nhập khẩu tương đối tích cực, vì thế nhu cầu ngoại tệ cho việc nhập khẩu cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ngoài ra cũng có một số chính sách khác có thể tác động lên chính sách tỷ giá.

Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tỷ giá vẫn đảm bảo duy trì được sự ổn định và vẫn đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng, đảm bảo được các cân đối chung ngoại tệ cũng như đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho các doanh nghiệp và các nhu cầu xuất nhập khẩu. Đây là một trong những sự ổn định lớn mà Việt Nam vẫn đang duy trì.

Ông Tú cho hay, so với các nước khác tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng USD vẫn thấp. Cụ thể, năm 2023 VNĐ mất giá khoảng 2,9% so với USD, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tính toán trên thị trường liên ngân hàng tỷ giá giữa VNĐ và USD cũng đã có bước tăng khoảng 2,6%. Nhưng so với các nước khác là các nước lớn, chẳng hạn như Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng mất giá với USD khoảng 1,4%; đồng Bath Thái khoảng 5,93%; đồng Won của Hàn Quốc khoảng 3,88%; đồng Yên Nhật cũng đã giảm giá 7,52%...

“Có thể thấy ngay các nước lớn, nền kinh tế lớn cũng bị ảnh hưởng bởi tỷ giá của đồng USD do chính sách đồng USD của Mỹ”, ông Tú nói.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tỷ giá là một trong những yếu tố liên quan đến điều hành kinh tế vĩ mô, rất quan trọng. Bởi tỷ giá không chỉ ảnh hưởng đến giá trị đồng tiền và sức mua của người Việt Nam mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến các chính sách, đặc biệt là sự ổn định vĩ mô cũng như là vấn đề kiểm soát lạm phát, vấn đề về tâm lý đến thị trường, niềm tin của nhà đầu tư.

Ông tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước luôn coi trọng các công tác điều hành tỷ giá là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng và tập trung.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế hết sức linh hoạt, đảm bảo làm sao cho điều hành của mình để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng đảm bảo được mục tiêu đặt ra đó là sự ổn định, đảm bảo hài hòa giữa trạng ngoại tệ luôn luôn duy trì được trạng thái dương cũng như đảm bảo cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế”, ông Tú cho hay.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân khiến tỷ giá tăng nóng thời gian qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới