Thứ năm, 02/05/2024 13:27 (GMT+7)
Thứ tư, 24/01/2024 14:14 (GMT+7)

Nguyên nhân chưa xử lý được dứt điểm các công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn

Theo dõi KTMT trên

Theo UBND huyện Sóc Sơn, việc một bộ phận cán bộ thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước là một trong những nguyên nhân khiến việc xử lý công trình vi phạm trên đất rừng chưa được dứt điểm.

UBND huyện Sóc Sơn có báo cáo gửi UBND TP.Hà Nội về công tác quản lý, xử lý vi phạm đất rừng diễn ra trong giai đoạn 2020 - 2023.

Theo đó, trên địa bàn huyện Sóc Sơn vẫn tồn tại nhiều công trình vi phạm trên đất rừng theo kết luận của Thanh tra TP.Hà Nội năm 2019 và có thêm các trường hợp vi phạm mới trong những năm gần đây.

Nguyên nhân chưa xử lý được dứt điểm các công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn - Ảnh 1
Công trình vi phạm trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn.

Trong đó, xã Minh Trí còn 25 công trình, xã Minh Phú còn 8 công trình vi phạm được lập hồ sơ năm 2017 và 2018 chưa bị xử lý. Sau kết luận Thanh tra, địa bàn tiếp tục phát sinh 139 trường hợp vi phạm đất đai có công trình xây dựng.

UBND huyện Sóc Sơn cho biết, đến nay huyện đã xử lý 94 trường hợp vi phạm, nhưng chưa dứt điểm được 45 công trình, trong đó có một số tại hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) và hồ Đồng Đò (xã Minh Trí).

Về xử lý cá nhân liên quan đến vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn đã kỷ luật 11 cán bộ của 2 xã, trong đó cảnh cáo Chủ tịch xã Minh Trí và cách chức Chủ tịch xã Minh Phú. Cùng với đó, huyện cũng khiển trách 2 phó chủ tịch xã, 4 cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị và 3 công chức địa chính xã. Ngoài ra, Bí thư Đảng ủy xã Minh Trí cũng bị chuyển công tác.

Nêu nguyên nhân chưa xử lý dứt điểm các công trình vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn cho biết, là do bất cập trong quy hoạch rừng năm 2008. Cụ thể, quy hoạch rừng này đã chồng lấn các loại đất hộ gia đình, đất quốc phòng, an ninh, đất công trình dự án, trụ sở cơ quan. Quá trình triển khai quy hoạch chưa có dự án tổng thể, cơ chế, chính sách để thực hiện giao đất, giao rừng, xác định ranh giới rừng và đất lâm nghiệp, đo đạc bản đồ địa chính đất rừng.

Bên cạnh đó, việc xử lý các trường hợp vi phạm đất rừng còn chậm là do một số hộ dân có đơn khởi kiện và TAND có văn bản áp dụng biện pháp khẩn cấp dừng thi hành quyết định hành chính.

Ngoài ra, một số hộ dân có đơn thư khiếu nại nhiều lần đến xã, huyện và Thanh tra Chính phủ. Thanh tra Chính phủ sau đó có văn chỉ đạo tạm dừng cưỡng chế để giải quyết khiếu nại, đồng thời làm rõ hồ sơ pháp lý liên quan dự án quy hoạch rừng Sóc Sơn.

UBND huyện Sóc Sơn cho biết, có những hộ sinh sống, sản xuất trước thời điểm quy hoạch rừng năm 2008, nhưng không được đảm bảo quyền lợi do "quy hoạch không được thực hiện dứt điểm". Từ đó dẫn đến hành vi vi phạm, tự ý xây dựng công trình trong quy hoạch rừng.

Ngoài ra, còn nhiều hộ dân ở nơi khác đến, lợi dụng người dân bản địa để vi phạm, trục lợi.

Đồng thời, một bộ phận cán bộ thiếu kiên quyết, nể nang, né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, xử lý vi phạm; chậm phát hiện, báo cáo để xử lý kịp thời.

Để giải quyết dứt điểm vi phạm, UBND huyện Sóc Sơn sẽ đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá hiện trạng rừng, thống kê bất cập để báo cáo thành phố, cập nhật vào quy hoạch chung Thủ đô, huyện, làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch rừng năm 2008.

Cùng với đó UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã Minh Phú, Minh Trí và các xã có rừng phân loại các trường hợp vi phạm còn tồn đọng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý vi phạm mới phát sinh ngay từ giờ đầu.

Đáng chú ý, H.Sóc Sơn sẽ củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an các vụ việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng, chiếm đất và hủy hoại đất rừng Sóc Sơn theo quy định...

Năm 2006, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm sau khi kiểm tra việc quản lý sử dụng đất rừng tại Lâm trường Sóc Sơn và 9 xã như Minh Phú, Minh Trí, Hiền Ninh, Phù Linh...

Tại khu vực rừng phòng hộ, đặc dụng ở Sóc Sơn, cơ quan chức năng thống kê có hơn 650 hộ xây dựng công trình trên đất lâm nghiệp với diện tích 11 ha.

Tiếp đó, từ tháng 1/2016 đến tháng 6/2018, qua kiểm tra 28 trường hợp ở thôn Minh Tân, xã Minh Trí, nhà chức trách đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 12 trường hợp "tự ý chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép".

Tháng 10/2018, UBND TP.Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Trí và Minh Phú. Chính phủ cũng yêu cầu TP.Hà Nội thanh tra việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Cuối tháng 3/2019, thành phố công bố kết luận thanh tra, trong đó chỉ ra hàng nghìn công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Chỉ hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm.

Tuy nhiên, 1 năm sau đó, việc xử lý vi phạm phải tạm dừng do người dân khiếu nại quy hoạch rừng năm 2008 chồng lấn diện tích khu dân cư. Trong lúc chính quyền còn đang rà soát, bóc tách diện tích đất ở và đất rừng để có cơ sở xử lý vi phạm cũ thì nhiều công trình tiếp tục "mọc" lên trên đất quy hoạch rừng.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Nguyên nhân chưa xử lý được dứt điểm các công trình vi phạm trên đất rừng Sóc Sơn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá nhà tăng liên tiếp 19 quý, mua nhà rẻ chỉ có trên tivi
Thời gian qua, thị trường bất động sản đang bị đẩy giá lên cao ở hầu hết các phần khúc. Nếu tình trạng này vẫn diễn ra thì nhu cầu mua nhà ở thực của người dân sẽ không được đáp ứng mà chỉ là cơ hội cho hiện tượng đầu cơ.

Tin mới