Nguy cơ mắc bệnh tâm thần khi sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Anh chỉ ra rằng, những người lớn lên trong môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề dễ mắc bệnh tâm thần, bao gồm cả bệnh tâm thần phân liệt.
Tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khoẻ con người đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu. Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và các bệnh về đường hô hấp, bệnh mất trí nhớ và nhiều loại bệnh ung thư.
75% các bệnh về tâm thần bắt nguồn từ thời niên thiếu. Ảnh: Bdnews24 |
Nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Trường King's College London (Anh) chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí có mối liên hệ chặt chẽ với các bệnh thần kinh, đặc biệt là ở trẻ em. Trẻ em lớn lên trong môi trường ô nhiễm dễ bị trầm cảm hơn những trẻ sống ở khu vực không khí trong lành. Cụ thể, những đứa trẻ sống trong môi trường độc hại từ 12 tuổi có khả năng bị trầm cảm cao hơn gấp 3 - 4 lần trẻ sống ở môi trường an toàn. Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa môi trường sống độc hại và các hành vi chống đối, gây mất trật tự xã hội.
Tiến sĩ Helen Fisher, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu trường King's College London chia sẻ: "Mức độ ô nhiễm không khí càng nặng càng ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả người lớn và trẻ em, cả sức khoẻ thể chất và tâm thần. Tốt nhất là tránh sống ở các khu vực có mức độ ô nhiễm nghiêm trọng".
Các nhà khoa học cho rằng phát hiện này đặc biệt quan trọng trong công tác phòng, chống và chăm sóc sức khoẻ tâm thần bởi 75% các bệnh về tâm thần hình thành từ thời thơ ấu và tuổi vị thành niên khi não bộ đang phát triển nhanh chóng.
"Nghiên cứu nhấn mạnh tác hại của ô nhiễm không khí đến giới trẻ của nước Anh, đặc biệt là những người sống trong khu vực thành thị nơi có tỉ lệ mắc các bệnh về tâm thần cao hơn", bác sĩ Robin Russell-Jones chia sẻ.
Tại Anh, khoảng 1 - 2% dân số bị rối loạn lưỡng cực và tâm thần phân liệt, và khoảng 5% dân số (tương đương khoảng 3,3 triệu người) bị rối loạn nhân cách.
Dòng sông Thames thơ mộng – niềm tự hào của người London bị bao phủ bởi không khí ô nhiễm. Ảnh: The PS |
Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô nước Anh đang ở mức báo động. Nghiên cứu trước đó của trường King's College London chỉ ra rằng, trung bình mỗi năm có khoảng 9.500 người dân thủ đô Luân Đôn chết vì ô nhiễm không khí. Nghiên cứu của The Royal College of Physicians, một hiệp hội y khoa tại Anh, cho thấy, hơn 40.000 người chết tại Anh do hít thở không khí ô nhiễm, dẫn đến bệnh ung thư, hen suyễn, đột tử, bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Trẻ em và người nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nghiên cứu khác cho thấy, hơn 800 cơ sở giáo dục tại Luân Đôn nằm ở các địa điểm ô nhiễm nặng nề, những đứa trẻ phải hít thở trong môi trường có lượng nitơ điôxít (NO2) cao hơn mức báo động của Liên minh châu Âu.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ và Đan Mạch cũng tìm thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và nguy cơ tăng các bệnh về tâm thần như rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt và rối loạn nhân cách.
Giáo sư Andrey Rzhetsky, thuộc Đại học Chicago (Mỹ) đồng tác giả nghiên cứu cho biết mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và bệnh tâm thần được phát hiện lần đầu khi qua dữ liệu bảo hiểm thu thập từ 151 triệu người trên khắp nước Mỹ. Phân tích tình trạng ô nhiễm và tỉ lệ mắc bệnh thần kinh ở các quận cho thấy, ô nhiễm càng nặng thì càng nhiều người mắc bệnh tâm thần. Tỉ lệ mắc bệnh rối loạn lưỡng cực ở các quận ô nhiễm cao hơn 27% so với các quận có chất lượng không khí tốt hơn.
Kết quả nghiên cứu tại Mỹ có thể chưa phản ánh bức tranh toàn cảnh bởi số liệu bảo hiểm không thể bao quát hết các nhóm dân cư, đặc biệt là những người có thu nhập thấp ít sử dụng bảo hiểm. Các nhà khoa học tiến hành thêm nghiên cứu tương tự tại Đan Mạch. Kết quả cho thấy, những đứa trẻ từ sơ sinh đến 10 tuổi sống trong môi trường ô nhiễm có tỉ lệ mắc bệnh tâm thần cao hơn những đứa trẻ sống ở khu vực không khí trong lành. Tỉ lệ cụ thể cho bệnh rối loạn lưỡng cực, tâm thần phân liệt, trầm cảm, và rối loạn nhân cách lần lượt là 29%, 148%, 51% và 162%.
Kim Minh (Theo the Guardian, The PS)