Người dân Hà Nội xếp hàng chờ cả đêm để được mua xăng
Thời gian gần đây, nhiều người dân Hà Nội phải khó khăn tìm đến những cửa hàng kinh doanh nhiên liệu lớn để xếp hàng dài chờ mua xăng, dầu do nhiều cửa hàng nhỏ đóng cửa không bán. Dù đi đổ xăng vào ban đêm mà cây xăng vẫn đông đúc, tấp nập như ban ngày.
Xếp hàng cả tiếng đồng hồ mới mua được bình xăng
Sau khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo toàn bộ cây xăng ở Hà Nội sẽ mở bán 24/24 giờ thì đến lượt hệ thống của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) cũng mở bán xuyên đêm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.
Nhưng theo ghi nhận vào ban đêm ở các cây xăng thuộc hệ thống Petrolimex, PV Oil, người dân vẫn xếp hàng đông nghịt để đổ được bình xăng.
Trước tình trạng “khát xăng” nhiều ngày gần đây, việc đổ xăng trở nên khó khăn khi phải chờ đợi khá lâu khiến nhiều người dân lựa chọn đi từ sáng sớm hoặc lúc nửa đêm nhưng ra đến điểm bán xăng đều phải xếp hàng dài chờ đợi.
Theo chia sẻ của chị Linh Huyền (nhà ở Hà Đông) : Ban ngày cây xăng nào còn hàng cũng rất đông, chờ mua được xăng sẽ muộn giờ làm nên có phải thức đêm cũng phải cố đổ được đầy bình cho yên tâm.
“Nhìn đồng hồ sau 11 giờ đêm, tôi mới đi xe đến đây mua xăng nhưng không ngờ đêm cũng chẳng khác gì ngày, phải xếp hàng đến 30 phút mới vào được cột bơm xăng”, chị Huyền nói.
Hết xăng, lỗ nặng, cây xăng tư nhân ngắc ngoải
Những ngày này Hà Nội có rất nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp tư nhân treo biển “hết xăng, còn dầu” hoặc ngược lại.
Bên cạnh nguồn cung gặp khó thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là các cửa hàng bán lẻ chịu lỗ quá nặng trong thời gian dài, không còn mặn mà nhập hàng về bán nữa.
Theo chia sẻ của bà Bùi Thị Thà, Giám đốc Công ty TNHH Trần Khiêm (H.Sóc Sơn, Hà Nội): Doanh nghiệp bán lẻ là đơn vị bán hàng thuê cho doanh nghiệp đầu mối thì phải được trả công bằng chiết khấu, chứ không phải đầu mối chia sẻ hay hỗ trợ gì.
Tuy nhiên, nhiều tháng nay, chiết khấu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đều ở mức 0 đồng, nghĩa là không những không được trả công lao động mình bỏ ra mà phải bỏ tiền túi ra bù lỗ (chi phí lưu thông) để đưa xăng dầu tới tay người tiêu dùng.
Cũng theo bà Thà, thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang trong hoàn cảnh “bán thì lỗ vốn, không bán thì sợ bị phạt, rút giấy phép”, nếu đơn vị nào còn nhập thì số lượng rất ít, chủ yếu duy trì cửa hàng, bán giỏ giọt thôi”, bà Thà nói.
Bà Thà cũng cho biết: Trong hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội hiện nay, nhiều đơn vị đang bên bờ vực phá sản. Khi có nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu ngưng hoạt động, người tiêu dùng buộc phải tìm đến các hệ thống doanh nghiệp nhà nước dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều cây xăng Petrolimex, PV Oil... trong những ngày vừa qua.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội vẫn đang đảm bảo cao nhất nhu cầu cho người dân trong việc mua xăng dầu. Sở Công Thương Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cấp phép cho 114 xe téc chở xăng dầu hoạt động 24/24 giờ để cung cấp xăng cho các cửa hàng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương còn có trách nhiệm rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định 95 và nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Lấy đủ ý kiến các đối tượng chịu tác động, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, trình Chính phủ trong tháng 11/2022.
Ngoài ra, để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu, Sở Công Thương Hà Nội cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải có phương án đảm bảo, duy trì nguồn cung trong hệ thống kinh doanh, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý. Đồng thời, tăng cường lượng dự trữ tại các kho, bể chứa trong thành phố.
Hải Anh