Thứ sáu, 22/11/2024 18:26 (GMT+7)
Thứ năm, 19/10/2023 06:55 (GMT+7)

Nghịch lý từ quỹ bình ổn xăng dầu: Không hợp lý và thiếu công bằng

Theo dõi KTMT trên

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho hay, trong 1 tháng trở lại đây, có thời điểm giá xăng lên tới gần 26.000 đồng/lít, nhưng việc chi quỹ bình ổn có 300 đồng/lít. Trong khi đó quỹ còn 7.000 tỷ, việc hoạt động như vậy là không hợp lý và thiếu công bằng.

Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người dân đóng góp, khi mua xăng dầu người tiêu dùng đóng 300 đồng/lít vào quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ này được duy trì với mục đích tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước. Thế nhưng thời gian qua, có không ít lùm xùm xung quanh quỹ này.

Theo đó, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt quỹ. Vấn đề càng nóng hơn khi mới đây, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Long Biên đã tự cấn trừ 270 tỉ đồng từ tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu của doanh nghiệp xăng dầu Hải Hà.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã có những chia sẻ về việc nên hay không nên duy trì quỹ bình ổn xăng dầu?

Nghịch lý từ quỹ bình ổn xăng dầu: Không hợp lý và thiếu công bằng - Ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

Chuyên gia Vinh Phú cho hay, việc duy trì một quỹ để bình ổn xăng dầu trong nền kinh tế là chuyện tốt. Tuy nhiên nhiều năm nay, quỹ trên đã bộc lộ nhiều yếu điểm.

“Vấn đề nằm ở việc điều hành quỹ xăng dầu, không ổn chút nào. Đặc biệt, quỹ này giao cho doanh nghiệp quản lý, họ sử dụng, hạch toán như thế nào rất ít người biết? Do vậy, không thể nào để Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại doanh nghiệp. Bởi, tiền này là tiền của dân, doanh nghiệp quản lý có thể dùng số tiền này vào mục đích khác, như vậy không công bằng với người dân tham gia đóng góp vào Quỹ bình ổn xăng dầu” – ông Phú chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia này, một điểm bất cập nữa là Quỹ bình ổn xăng dầu nằm ngoài ngân sách, không dùng ngân sách nhà nước, được doanh nghiệp trích lập và sử dụng nhưng mức trích lập, mức chi lại dựa trên quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ Công Thương. Tất cả những điều đó làm chậm thời gian khiến mỗi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu Việt Nam không phù hợp với diễn biến tức khắc của thị trường thế giới.

Ông Phú nói rằng, trong 1 tháng trở lại đây, có thời điểm giá xăng lên tới gần 26.000 đồng/lít, nhưng việc chi quỹ bình ổn có 300 đồng/lít. Trong khi đó quỹ còn 7.000 tỷ, doanh nghiệp và nhân dân đang khó khăn, điều này cho thấy sự chia sẻ không có, bản thân quỹ vẫn còn dư lực nhưng không hỗ trợ.

“Tác động tiêu cực của giá xăng dầu tăng cao không tính bằng việc tăng mấy nghìn đồng khi đi đổ xăng mà quan trọng là tính vào giá thành của doanh nghiệp, của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không kiểm soát giá xăng dầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chỉ số CPI, lạm phát” – Chuyên gia Vũ Vinh Phú nhận định.

Từ những phân tích trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để xăng dầu tiến tới thị trường.

“Xăng dầu phải kinh doanh theo thị trường, lúa gạo, viễn thông, cần thiết như vậy còn phải bỏ quỹ bình ổn. Các đơn vị xăng dầu phải tự hạch toán, lời ăn lỗ chịu! Dẹp bỏ các khâu trung gian trong chuỗi cung ứng xăng dầu, không còn độc quyền xin cho, những trì trệ trong chuỗi cung ứng này phải được dẹp bỏ hết. Quỹ này hoạt động không hiệu quả, cho nên phải có những giải pháp thay thế. Để thị trường xăng dầu hiệu quả, tránh đứt gãy nguồn cung, quan trọng nhất phải dự trữ bằng hiện vật là nguồn xăng dầu. Nhìn vào giải pháp của các quốc gia phát triển trên thế giới, họ dự trữ xăng dầu 3 tháng, 6 tháng, thậm chí 9 tháng. Đây là cách tôi cho rằng hợp lý hơn để bình ổn thị trường xăng dầu “ – Ông Phú nhấn mạnh.

Liên quan đến việc giữ hay bỏ Quỹ Bình ổn giá, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, trong Luật Giá (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024 vẫn có quy định về Quỹ bình ổn giá. Trước khi thông qua, Bộ Tài chính đã tổng hợp nhiều ý kiến và có báo cáo đầy đủ, khách quan đối với việc duy trì Quỹ hay không.

Ông cho rằng, Quỹ bình ổn giá là một biện pháp bình ổn giá, nên việc sử dụng quỹ như thế nào là một quá trình triển khai trên thực tế theo từng giai đoạn, từng mặt hàng. Đây cũng là khung pháp lý mà Quốc hội đã thông qua và thấy rằng là cần thiết về bình ổn giá.

Phân tích thêm về các biện pháp bình ổn giá, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, cùng với Quỹ bình ổn giá, một giải pháp quan trọng là dự trữ Nhà nước. Hiện Bộ Công Thương đã thực hiện dự trữ mặt hàng chiến lược xăng dầu.

"Trong đề xuất xây dựng chiến lược ngành dự trữ nhà nước, Bộ Tài chính đang báo cáo Chính phủ để nâng cao vai trò của Tổng cục Dự trữ nhà nước trong dự trữ xăng dầu, để có thể đáp ứng nhu cầu trong tình huống cấp bách, thậm chí là nếu đủ tiềm lực thì can thiệp vào bình ổn giá", Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin.

Song, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, những diễn biến của tình hình quản lý và sử dụng quỹ này của các doanh nghiệp trong thời gian gần đây cũng đặt ra cho cơ quan quản lý một vấn đề, là làm sao để làm tốt hơn, quản lý chặt chẽ hơn và minh bạch hơn việc hình thành và sử dụng quỹ này.

Xuân Tùng

Bạn đang đọc bài viết Nghịch lý từ quỹ bình ổn xăng dầu: Không hợp lý và thiếu công bằng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới