Thứ bảy, 21/09/2024 12:51 (GMT+7)
Thứ ba, 23/07/2024 17:00 (GMT+7)

Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định được thông qua

Theo dõi KTMT trên

Sáng 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng và Tuyên Quang.

Phương án sắp xếp đơn vị hành chính 3 tỉnh

Báo cáo tại phiên họp về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Đối với tỉnh Nam Định không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp và có 44 ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp.

Cũng tại phiên họp, đại diện cho 3 đơn vị, đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Nam Định. Theo báo cáo, tỉnh Nam Định đề nghị thực hiện sắp xếp đối với 2 ĐVHC cấp huyện (thuộc diện khuyến khích và liền kề) và 79 ĐVHC cấp xã (44 đơn vị thuộc diện sắp xếp, 2 đơn vị thuộc diện khuyến khích và 31 đơn vị liền kề).

Cụ thể, nhập huyện Mỹ Lộc vào thành phố Nam Định để hình thành thành phố Nam Định mới; Tỉnh xây dựng 28 phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, trong đó có 25 phương án nhập 3 đơn vị thành 1 đơn vị mới; 1 phương án nhập 2 đơn vị thành 1 đơn vị mới và 2 phương án thành lập phường trên cơ sở nguyên trạng xã. Như vậy, sau sắp xếp, giảm 1 ĐVHC cấp huyện (từ 10 đơn vị xuống còn 9 đơn vị) và giảm 51 ĐVHC cấp xã (từ 226 đơn vị xuống còn 175 đơn vị).

Đối với tỉnh Tuyên Quang, có 2 xã thuộc diện sắp xếp (gồm Xã Hồng Lạc và xã Vân Sơn thuộc huyện Sơn Dương). Tỉnh xây dựng phương án nhập 2 xã Hồng Lạc và Vân Sơn thành xã Hồng Sơn mới; sau sắp xếp giảm 1 xã (từ 138 đơn vị xuống 137 đơn vị).

Đối với tỉnh Sóc Trăng: có 1 ĐVHC cấp huyện (huyện Cù Lao Dung) và 1 ĐVHC cấp xã (phường 1 thuộc thành phố Sóc Trăng) thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025. Tỉnh đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với huyện Cù Lao Dung do có vị trí biệt lập (là huyện cù lao), khó tổ chức giao thông thuận lợi kết nối với ĐVHC liền kề; xây dựng phương án nhập Phường 1 với Phường 9 để thành lập Phường 1 (mới) thuộc thành phố Sóc Trăng; sau sắp xếp giảm 1 phường (từ 109 đơn vị xuống còn 108 đơn vị).

Thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng báo cáo cụ thể về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; bố trí và giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp; giải quyết trụ sở công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC ;… của 3 tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang.

Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định được thông qua - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/ĐH

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban Pháp luật đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ, Ban Chỉ đạo mà cơ quan thường trực là Bộ Nội vụ và quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị của 3 tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Về cơ bản, các ĐVHC thuộc diện bắt buộc sắp xếp đều được Chính phủ, chính quyền địa phương xây dựng phương án cụ thể. Các ĐVHC được hình thành sau sắp xếp cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của ĐVHC theo quy định và yêu cầu của việc sắp xếp.

Các địa phương cũng đã chủ động phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư và có phương án bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công ở các ĐVHC thực hiện sắp xếp. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 03 tỉnh này, đã giảm được tổng số 1 ĐVHC cấp huyện và 53 ĐVHC cấp xã.  

Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định được thông qua - Ảnh 2
Quang cảnh phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 23/7

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với một số nội dung trọng tâm liên quan tới Đề án của 3 địa phương như: Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, đơn vị sau sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã; bố trí và giải quyết đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau sắp xếp; giải quyết trụ sở công dôi dư sau sắp xếp ĐVHC; chế độ, chính sách đặc thù của các ĐVHC thực hiện sắp xếp;… Đồng thời, cho ý kiến về những nội dung dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có kết luận về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình xây dựng và xem xét, thông qua các Đề án về sắp xếp ĐVHC.

Qua thảo luận, các ý kiến đánh giá cao quá trình chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương; cơ bản tán thành với nội dung Đề án sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 3 tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Nghị quyết số 35, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, các tỉnh Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang trong việc quán triệt sâu sắc và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Hồ sơ các Đề án được thực hiện đúng theo quy định pháp luật; trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Nghị quyết số 35, Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các kiến nghị của Chính phủ cũng như đề xuất của Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sẽ ban hành thông báo Kết luận về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật trong quá trình xây dựng và xem xét, thông qua các Đề án về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Từng bước kiện toàn, ổn định để phát triển

Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định được thông qua - Ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 cần có đề án cụ thể, có lộ trình, bước đi để bảo đảm thời gian, chất lượng, cùng với đó, cần đánh giá kỹ việc thực hiện công tác này trong thời gian qua. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công tại các đơn vị hành chính sau khi thực hiện sắp xếp, không để lãng phí.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần tăng cường khảo sát, nắm tình hình tại từng huyện, xã thuộc diện sắp xếp, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Cùng với đó, quan tâm đến tổ chức bộ máy sau khi thực hiện sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư; sắp xếp, bố trí các chức danh chủ chốt để ổn định bộ máy đơn vị hành chính, chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI.

Với 100% thành viên tán thành, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh: Nam Định, Sóc Trăng, Tuyên Quang./.

Mạnh Quân

Bạn đang đọc bài viết Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Nam Định được thông qua. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Phú Thọ: Dâng hoa Kỷ niệm 70 năm Bác Hồ về thăm Đền Hùng
Ngày 19/9, tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong" thuộc khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức dâng hoa kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về thăm Đền Hùng (19/9/1954 - 19/9/2024).

Tin mới