Nghệ An: Tổ chức lại Văn phòng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây
Ngày 27/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã tổ chức lễ công bố quyết định của UBND tỉnh về việc tổ chức lại Văn phòng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
Tham dự buổi lễ có ông Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học - Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển (MAB); Ban Quản lý dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam (Dự án BR).
Theo đó, Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007, đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha (trên địa bàn 9 huyện miền Tây Nghệ An, với hành lang xanh kết nối 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt). Khu dự trữ sinh quyển này chiếm hơn 84% tổng diện tích tỉnh Nghệ An với dân số khoảng trên 1 triệu người (gồm 6 dân tộc anh em), chiếm khoảng 30,14% tổng dân số toàn tỉnh. Nơi đây có đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật đặc hữu, nguy cấp quý hiếm, và đa dạng bản sắc các cộng đồng 6 dân tộc sinh sống; đồng thời chứa đựng nhiều cảnh quan, danh lam, thắng cảnh, di tích nổi tiếng.
Cụ thể, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã tiến hành điều tra, rà soát các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có tiềm năng và hỗ trợ, quảng bá, giới thiệu gần 20 sản phẩm gắn nhãn sinh thái “Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An”. Tổ chức các cuộc hội thảo tham vấn về triển khai kế hoạch gắn nhãn với thành phần gồm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các nhà quản lý, đơn vị đầu tư. Hỗ trợ thực hiện Dự án "Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam". Phối hợp, tổ chức tốt các hoạt động truyền thông với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng…
Trải qua thời gian dài, sự hình thành và phát triển Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An trong những năm qua đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc phát triển của khu vực miền Tây Nghệ An và cả tỉnh...
Năm 2023, Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây của tỉnh đã có nhiều hoạt động quan trọng: Thực hiện “Chiến lược quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới miền Tây Nghệ An giai đoạn 2017 - 2027, tầm nhìn đến năm 2030”; tham gia phản biện, có ý kiến đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội thực hiện trong địa bàn khu dự trữ, đưa ra những khuyến nghị kịp thời nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế - xã hội và phát triển bền vững của Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đồng thời, phát huy vai trò, chức năng của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới hướng đến mục tiêu “Phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển”; đóng góp cho mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh; bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, đa dạng bản sắc văn hóa độc đáo và mang tính đặc thù của miền Tây xứ Nghệ.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phùng Thành Vinh- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của Văn phòng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An và khẳng định, việc tổ chức lại Văn phòng sẽ triển khai tốt các hoạt động thực hiện “Chiến lược quản lý Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An giai đoạn 2017 - 2027, tầm nhìn đến năm 2030”. Đẩy mạnh việc thực hiện phòng, chống rác thải nhựa trong khu dự trữ sinh quyển. Tiếp tục triển khai kế hoạch gắn nhãn sinh thái “Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An” kết hợp với công tác xúc tiến, quảng bá cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiềm năng có xuất xứ từ khu dự trữ sinh quyển.
Qua đó, tham mưu kiện toàn, bổ sung nhân sự cho Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển phù hợp để hoạt động có hiệu quả hơn. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển trong nước và quốc tế. Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ mới trong kế hoạch hành động Lima theo đề xuất của UNESCO và MAB Việt Nam như: triển khai các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa, tiến tới không rác thải nhựa và thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái trong khu dự trữ sinh quyển...
Nguyễn Công