Nghệ An: Phấn đấu đến năm 2025 có 650 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên
UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức cuộc họp để nghe và cho ý kiến về dự thảo Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023 – 2025. Mục tiêu cụ thể được xác định đến hết năm 2025, phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên
Sau 4 năm triển khai, đến nay Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An và đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2022, tỉnh này có 403 sản phẩm được xếp hạng đạt OCOP 3 sao trở lên, chiếm 4,6% số sản phẩm đạt hạng sao cả nước. Qua đó, đã góp phần từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Việc ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025” là hết sức cần thiết nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2019 – 2022. Đồng thời, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc nhằm thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của các chủ thể sản xuất và người dân về sản phẩm OCOP.
Chủ thể thực hiện là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, các hội/hiệp hội, Trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương. Các sản phẩm được phân theo 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm; Nhóm đồ uống; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ: Nhóm sinh vật cảnh; Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch.
Mục tiêu cụ thể được xác định: Đến hết năm 2025 phấn đấu toàn tỉnh có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao. Củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng tương đương 134 sản phẩm; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm. Có ít nhất 10% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định. Trong đó, ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Có ít nhất 5% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo Đề án cũng đã đưa ra 8 nội dung trọng tâm thực hiện, gồm: Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Đồng thời, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP, tăng cường chuyển đổi số; xây dựng các mô hình để nhân rộng tạo động lực phát triển sản phẩm...
Tuấn Quỳnh