Nghệ An: Đình chỉ xây dựng trạm thu phát sóng chưa có giấy phép
Mặc dù chưa có giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan, Chi nhánh công trình Viettel Nghệ An đã thi công móng cột trạm thu phát sóng di động khiến người dân bất an, lo lắng.
Mới đây, một số hộ dân trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) có đất tại khu vực đất đã được đấu giá vào năm 2019 ở thôn Đại Đồng, xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai phản ánh về việc Chi nhánh công trình Viettel Nghệ An triển khai thi công trạm thu phát sóng thông tin di động (BTS) trên đất phân lô bán nền.
Các chủ sử dụng đất tỏ ra băn khoăn khi cột thu, phát sóng được xây dựng trong khu vực đất ở đã được đấu giá. Việc này liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân sau này. Anh Lê Đức Bằng (SN 1983, trú tại xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu) cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn không được thông báo, phổ biến gì về việc lắp đặt trạm BTS từ phía chính quyền địa phương hay từ phía đơn vị lắp đặt. Hiện tại công trình trên chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng nhưng đã xây dựng trên đất ở. Người dân chúng tôi đề nghị dừng việc xây dựng và di dời đến vị trí đúng quy hoạch theo quy định để đảm bảo an toàn”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Xuân Phương, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai cho biết: "Sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND xã đã tổ chức làm việc với Chi nhánh công trình Viettel Nghệ An (đơn vị xây dựng cột thu phát sóng BTS - PV).
Qua kiểm tra, trong tháng 6/2024, đơn vị này đã tổ chức thi công móng cột tự đứng viễn thông tại thôn Đại Đồng, xã Quỳnh Liên. Vị trí xây dựng nằm tại thửa đất số 422, tờ bản đồ số 8, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào cuối năm 2020 với diện tích 200m2, mục đích sử dụng đất ở nông thôn. Chủ sử dụng thửa đất nói trên là gia đình ông Lê Văn An và bà Nguyễn Thị Thu Hà (trú xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu). Gia đình ông An đã cho Chi nhánh công trình Viettel Nghệ An thuê theo hợp đồng thuê mặt bằng lắp đặt trạm BTS, có thời hạn 5 năm. Tại thời điểm kiểm tra, công trình là dạng móng cột đang xây dựng dở dang, kết cấu bằng bê tông cốt thép, có kích thước 7m×7m (49m2)".
Ban đầu, UBND xã đã yêu cầu phía chi nhánh cung cấp giấy phép xây dựng, bản cam kết của các hộ dân liên kề..., tuy nhiên người đại diện phía Chi nhánh công trình Viettel Nghệ An chưa xuất trình được nên đã yêu cầu dừng thi công. Địa phương cũng đã lập biên bản, đề xuất phòng quản lý đô thị hướng dẫn để xử lý theo quy định, Ông Phương cho biết thêm.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Nguyễn Bá Thế, Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Hoàng Mai khẳng định: “Trong quy hoạch thì trên địa bàn xã Quỳnh Liên có trạm BTS cũ di dời nhưng chúng tôi cũng không rõ cụ thể là quy hoạch chỗ nào. Phía đơn vị viễn thông có hợp đồng với người dân để xây dựng nhưng không có cấp phép nên đã cho đình chỉ dừng lại. Chúng tôi đang cho kiểm tra lại quy hoạch cụ thể”.
Thông thường, BTS được đặt tại 1 vị trí nhất định theo quy hoạch của các ISP (dựa theo mạng tổ ong), nhằm tạo ra hiệu quả thu phát sóng cao nhất với vùng phủ sóng rộng và ít có các điểm, vùng nằm giữa các BTS mà không được phủ sóng.
Trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết định bắt buộc áp dụng TCVN 3718-1:2005 đối với các trạm BTS. Đồng thời, tất cả các trạm thu phát thông tin di động phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong QCVN 08:2010/BTTTT thì mới được phép đi vào hoạt động.
- Tiêu chuẩn TCVN 3718-1:2005 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý an toàn bức xạ tầng số radio Mức phơi nhiễm trong dải tần từ 3Khz đến 300Ghz.
- Quy chuẩn QCVN 08:2010/BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng nhằm đánh giá mức độ phơi nhiễm quy định trong TCVN 3718-1:2005.
Như vậy, doanh nghiệp viễn thông đưa vào vận hành, khai thác trạm BTS phải tuân thủ mức phơi nhiễm điện từ theo quy định của TCVN 3718-1:2005.
Nguyễn Công