Thứ sáu, 22/11/2024 04:52 (GMT+7)
Thứ sáu, 14/04/2023 09:53 (GMT+7)

Nghệ An: Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn

Theo dõi KTMT trên

Thời gian qua, sở TN&MT Nghệ An đã nghiêm túc chỉ đạo các đơn vị triển khai kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hàng năm, sở TN&MT tỉnh Nghệ An đều ban hành kế hoạch thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường trong đó có nội dung về bảo vệ môi trường. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin tiếp nhận từ đường dây nóng, đơn vị này đã chỉ đạo kịp thời thanh tra đột xuất các vụ việc nóng, nổi cộm trong các dự án tiềm ẩn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Nghệ An: Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1
Tại huyện Qùy Hợp, 2 công ty khai thác quăng thiếc cũng mới bị xử phạt 420 triệu đồng vì vi phạm về vấn đề môi trường.

Kết quả thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm pháp luật về môi trường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường. Đồng thời kiến nghị sửa đổi bổ sung các vướng mắc, bất cập tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Theo thông tin từ sở TN&MT Nghệ An, từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, trong năm 2021, tỉnh này xử lý 1830 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 14 tỷ đồng (bao gồm các vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Chủ tịch UBND cấp huyện). Tiếp đó, năm 2022 địa phương này xử lý 380 vụ việc, xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng (bao gồm các vụ việc thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Chủ tịch UBND cấp huyện).

Các nhóm hành vi vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vi phạm là: Xả thải gây ô nhiễm môi trường; thực hiện không đúng các quy định trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường,...); thực hiện quản lý chất thải không đúng quy định.

Tuy nhiên, việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường xảy ra ngày càng nhiều trên địa bàn toàn tỉnh với tính chất, mức độ tinh vi và hậu quả nghiêm trọng hơn. Các tổ chức, cá nhân vi phạm có nhiều thủ đoạn đối phó, chống đối. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường càng đòi hỏi tính kịp thời, chính xác và chất lượng ngày càng cao, khối lượng công việc chuyên môn rất lớn, phạm vi rộng, địa bàn rộng, áp lực nhiều nhưng biên chế không tăng dẫn đến quá tải về công việc. Theo đó, chưa tiến tiền hành công tác thanh tra được nhiều để kịp thời phát hiện, chẩn chỉnh, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.

Trong quá trình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh còn có các khó khăn, vướng mắc như sau: Về các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ. Thời điểm giữ tang vật vi phạm hành chính tối đa không quá 48 h, vì vậy khi áp dụng quy định này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian tạm giữ ngắn (48 h), trong khi đó phải thành lập hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị và thực hiện nhiều thủ tục hành chính nên khó khăn cho cơ quan thẩm quyền xử phạt.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, còn có hiện tượng các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính đã cố tình không chấp hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trong khi đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có các biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường quy định mức xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền là khá cao nên việc thi hành quyết định, nộp tiền phạt cũng gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện.

 Trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường hiện nay còn thiếu các tài liệu hướng dẫn (chưa có quy trình, thủ tục kiểm tra), quy trình hướng dẫn kỹ thuật thanh tra chuyên ngành môi trường cho các đối tượng, ngành nghề khác nhau. Thiếu dữ liệu môi trường nền và chưa có cơ sở dữ liệu về đối tượng thanh tra phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường. Nguồn kinh phí thực hiện còn hạn chế, chưa bảo đảm được yêu cầu thực tế hiện nay. Thiếu trang thiết bị chuyên dụng, các công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật để phát hiện vi phạm hành chính làm ảnh hưởng đến công tác tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính; chưa có cơ sở dữ liệu theo dõi về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và chấp hành các quyết định…

Tiếp đó, chưa quy định trình tự, thủ tục, các biện pháp cưỡng chế thực hiện trong việc thi hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có biện pháp khắc phục hậu quả hoặc hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động có thời hạn. Thời hạn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính không quá 07 ngày kể từ khi lập Biên bản vi phạm hành chính (Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản) là ngắn, không phù hợp cho các trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của người đang thực thi công vụ, phải chuyển đến người có thẩm quyền cao hơn để xử phạt.

Tuấn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Nghệ An: Công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường gặp nhiều khó khăn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.