Nghệ An: Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước tầm nhìn đến năm 2045
UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 1136/QĐ-UBND, phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Quyết định số 1136/QĐ-UBND ngày 9/5, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 1595/QĐ-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát huy hiệu quả chủ trương về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước được giao, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới.
Các ngành, các cấp thực hiện rà soát, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo đồng bộ, khả thi theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi… và các quy định khác có liên quan. Tranh thủ các nguồn vốn, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương hoàn thành đầu tư các dự án thủy lợi lớn, trọng điểm; kết hợp lồng ghép nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu tư công để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng đập, hồ chứa nước đa mục tiêu…
Thực hiện hiệu quả việc thu hút nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước, liên kết, kết nối nguồn nước và công trình bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, vật tư cho người dân các vùng khan hiếm nước, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai, đặc biệt là vùng cửa sông, ven biển, vùng trũng thấp và miền núi. Bố trí đủ nguồn lực để nâng cấp, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh trước các mùa mưa lũ hàng năm.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý nguồn nước theo hướng thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp trong quản lý nguồn nước, vận hành kết cấu hạ tầng thủy lợi, thủy điện, cấp nước sinh hoạt, phòng, chống thiên tai, xây dựng, giao thông đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và mặt trái của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chuyển đổi số…
Nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản, đánh giá trữ lượng nguồn nước; chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ trong bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thủy, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước…
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi cho biết, năm 2022, Nghệ An có 1.061 hồ chứa nước, tính đến thời điểm này có 126 hồ chứa chỉ đạt dưới 50% dung tích, trong đó có 108 hồ chứa do địa phương quản lý, 18 hồ chứa do các công ty TNHH thủy lợi quản lý.
Vụ hè thu 2024, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở khu vực Trung Bộ do xuất hiện nắng nóng gay gắt và thiếu hụt lượng mưa, dẫn đến nguồn nước trong các hồ chứa sụt giảm nhanh và gia tăng nhu cầu dùng nước.
Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện chỉ đạo các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước và xâm mặn.
Hà My