Ngành Y tế bắt tay giảm thiểu rác thải nhựa: Thiết lập lộ trình phù hợp
Bộ Y tế vừa có yêu cầu các cơ sở y tế, cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế… về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương (Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường - Bộ Y tế) để làm rõ các nội dung xung quanh vấn đề này.
PV: Ngành Y tế đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm hưởng ứng phong trào “chống rác thải nhựa”. Những hoạt động cụ thể đó là gì và đã mang lại những hiệu quả như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Liên Hương:
Năm 2018, hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa do Bộ TN&MT phát động, Cục Quản lý môi trường y tế đã có Văn bản 1505/MT-YT, Văn bản 1506/MT-YT ngày 30/11/2018 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế và các Sở Y tế các tỉnh, thành phố để triển khai các hoạt động hưởng ứng Phong trào Chống rác thải nhựa. Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã có các văn bản gửi tới các cơ sở trực thuộc để hưởng ứng phong trào trong toàn ngành.
Năm 2019, hưởng ứng Thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và để chung tay cùng Bộ TN&MT và toàn xã hội chống ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế, trong đó, yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày của người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, nilon khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định; phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và nilon khó phân hủy trong đơn vị. Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế tới 64 điểm cầu tại Bộ Y tế và 63 tỉnh, thành phố; tổ chức ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa trong từng cơ quan, đơn vị.
PV: Việc triển khai các chương trình, hoạt động chống rác thải nhựa trong ngành Y tế có gặp những khó khăn gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Liên Hương:
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ chất thải nhựa trong y tế, chỉ bằng cách giảm thiểu sử dụng. Vì vậy, bên cạnh quyết tâm của ngành Y tế, cần phải có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp sản xuất bao bì, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế, các đơn vị cung cấp dịch vụ ăn uống, hàng hóa trong cơ sở y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng mới có thể thực hiện thành công.
Đối với việc thay thế các vật dụng, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất sử dụng nguyên liệu nhựa bằng vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong các hoạt động chuyên môn y tế cần có lộ trình thực hiện và thay thế từng bước. Bởi, do đặc thù ngành Y tế, một số trang thiết bị y tế bằng nhựa hiện nay ngay cả trên thế giới cũng chưa có sản phẩm thay thế phù hợp và an toàn.
Một khó khăn không thể không nhắc tới là vấn đề kinh phí cho việc thay thế sản phẩm thân thiện với môi trường vì các sản phẩm này thường có giá thành cao hơn so với các sản phẩm không thân thiện môi trường. Do đó, các cơ sở y tế cần có phương án phù hợp để bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí được giao hàng năm của đơn vị để đảm bảo việc thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa của đơn vị hoặc cần được ngân sách Nhà nước cấp bổ sung kinh phí để thực hiện.
Cả nước có hơn 13.000 cơ sở Y tế, mỗi năm điều trị cho hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Theo báo cáo từ một số bệnh viện, khoảng 5% số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày. |
PV: Ngành Y tế đặt mục tiêu như thế nào trong ngắn hạn và dài hạn nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ở các cơ sở y tế trên toàn quốc?
Bà Nguyễn Thị Liên Hương:
Trước tiên, giảm và tiến tới ngừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động sinh hoạt thường ngày của cán bộ, nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, thay thế bằng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng và an toàn.
Đối với các hoạt động chuyên môn y tế: Giảm sử dụng một số vật dụng, vật tư y tế làm từ nhựa có thể thay thế được bằng các sản phẩm làm từ các vật liệu thân thiện môi trường như sử dụng găng tay cao su, khẩu trang, mũ trùm đầu, bọc giầy, túi đựng thuốc bằng giấy; tăng cường sử dụng thuốc bằng đường uống thay cho đường tiêm; ứng dụng công nghệ số trong chụp X quang, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ để hạn chế in phim làm bằng nhựa.
Đối với các sản phẩm nhựa không thể thay thế sẽ phân loại triệt để tại nguồn để thu gom tái chế theo quy định.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế không sử dụng túi nilon khó phân hủy trong hoạt động sinh hoạt thường ngày tại cơ quan, đơn vị; 100% cơ sở y tế có áp dụng các biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế.
Ngành Y tế đang sử dụng bao bì đựng thuốc giấy. Ảnh: HM |
PV: Được biết, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ Y tế có Công văn yêu cầu giảm thải rác thải nhựa trong toàn ngành, nhiều cơ sở y tế đã hưởng ứng và triển khai thực hiện tốt Phong trào Chống rác thải nhựa. Bà nói rõ hơn về nội dung này?
Bà Nguyễn Thị Liên Hương:
Ngay từ khi phát động Phong trào Chống rác thải nhựa, nhân Tháng hành động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018, các cơ quan, đơn vị trong ngành Y tế đã triển khai thực hiện với nhiều hình thức, sáng kiến và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Một số Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc thực hiện tốt phong trào này như: Cà Mau, Bình Định, Thừa Thiên - Huế. Một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đã có hành động cụ thể giảm thiểu chất thải nhựa như sử dụng túi giấy đựng thuốc thay cho túi nilon khó phân hủy như: Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện K…; sử dụng túi đựng chất thải bằng túi tự hủy sinh học như: Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa Long An... Các cơ sở y tế đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, túi nilon khó phân hủy.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!