Thứ sáu, 22/11/2024 22:56 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/09/2020 15:17 (GMT+7)

Ngành thép đối mặt khó khăn kép

Theo dõi KTMT trên

Dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế toàn cầu, khiến giá thép trên thị trường thế giới giảm sâu, mức tiêu thụ sản phẩm cũng giảm mạnh.

Trong đó, giá một số nguyên liệu sản xuất thép lại có xu hướng tăng do hạn chế của nguồn cung. Những khó khăn này đang khiến ngành thép Việt Nam dự báo sẽ không có tăng trưởng trong năm 2020. Không chỉ lao đao vì dịch, thép xuất khẩu còn đối diện với hàng loạt nguy cơ các vụ kiện phòng vệ thương mại khi ra thị trường thế giới, khiến cho ngành thép Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn kép.

Tiêu thụ sụt giảm mạnh

Theo ghi nhận mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép trong nước bảy tháng năm 2020 tiếp tục tăng trưởng âm, giảm lần lượt 6,9% và 9,6% so với cùng kỳ năm 2019, tương ứng chỉ đạt 13,72 triệu tấn và 12,36 triệu tấn. Nguyên nhân do nhiều ngành sử dụng thép như công nghiệp xây dựng, hạ tầng, cơ sở sản xuất ô-tô, xe máy, điện tử phần lớn vẫn chưa hồi phục mức tiêu thụ bình thường. Ðiều này cho thấy, đầu ra của sản phẩm đang gặp khó, trong khi giá nguyên vật liệu sản xuất thép tăng trở lại từ cuối tháng 7, với mức giá bán bình quân từ 10,9 đến 11 triệu đồng/tấn tùy loại. Ðây đang là những thách thức lớn mà các doanh nghiệp (DN) ngành thép phải đối mặt trong năm nay.

Với thị trường xuất khẩu thép các loại trong sáu tháng năm 2020 cũng tiếp tục giảm sâu, chỉ đạt 2,28 triệu tấn, giảm đến 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Việc hồi phục thị trường xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của các nước khu vực Ðông - Nam Á, nơi đang chiếm đến 60% tổng lượng thép xuất khẩu và 57,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hiện nay.

Nhưng VSA cũng khuyến cáo, các DN cần cẩn trọng với việc kiểm soát mặt hàng thép tiền chế xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi mặt hàng này đã được đưa vào diện cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại. Bởi xu hướng phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục được các thị trường sử dụng với nhiều sản phẩm, đặc biệt với thép. Do vậy, bản thân DN khi tiếp cận các thị trường như châu Âu, Mỹ, ngoài đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ thì cũng cần quan tâm hơn đến quy định của phòng vệ thương mại để chuẩn bị, tiếp nhận các vụ khởi kiện.

Ngành thép đối mặt khó khăn kép - Ảnh 1
Khu vực nấu gang tại Nhà máy gang thép Lào Cai.

Dù kỳ vọng trong ngắn hạn thị trường trong nước sẽ tăng nhu cầu tiêu thụ, việc sản xuất và bán hàng của các DN sẽ bớt khó khăn hơn, nhưng thực tế cho thấy hoạt động kinh doanh của ngành vẫn đang bị tác động rất lớn từ nhiều phía. Ngay từ đầu năm 2020, VSA đã dự báo xu hướng khó khăn, thách thức với ngành thép sẽ còn tiếp tục gia tăng bởi xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế, thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc.

Ðặc biệt, ngay từ đầu năm, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành thép trong nước cả ở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, lượng thép xây dựng bán ra trong bảy tháng năm 2020 chỉ khoảng 5,7 triệu tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ và giảm 5 tháng liên tiếp kể từ cuối tháng 2-2020 đến nay. Ðiều này dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các DN, nhà máy sản xuất thép khi buộc phải giữ giá thành, hoặc giảm nhẹ để cạnh tranh thị phần.

Cần giải pháp hỗ trợ kịp thời

Với những khó khăn nêu trên, dự báo các DN ngành thép sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức khi mức tiêu thụ thép trên thị trường vẫn trên đà suy giảm, đòi hỏi các DN phải có các giải pháp đột phá, tìm nguồn tiêu thụ cùng sự kỳ vọng từ nguồn hỗ trợ chính sách mới từ Chính phủ. Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Ða nhận định, thị trường thép toàn cầu có lúc đã le lói hy vọng khả quan hơn vào cuối quý II và quý III-2020, nhưng dịch Covid-19 đã khiến thị trường trong nước và xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn khi các quốc gia vẫn trong giai đoạn đóng cửa, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và sự cạnh tranh do giá nguyên liệu,...

Sự tắc nghẽn thị trường khiến hàng hóa không lưu thông được, hầu hết các công trường, công trình và các dự án xây dựng có sử dụng thép đều tạm dừng thi công. Thế nhưng, các DN vẫn phải trả lãi vay ngân hàng, chi phí bảo quản và lưu kho bãi, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh doanh, thậm chí nhiều DN chịu thua lỗ. Tuy nhiên, điểm sáng trong những tháng cuối năm, Chính phủ đang thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ giúp tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép. Do đó, để giải quyết những khó khăn, ngoài khả năng tự thân vận động, các DN ngành thép cần sự hỗ trợ nhiều mặt của Chính phủ, có thể bằng các chính sách về tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ để giúp DN vượt qua giai đoạn hiện nay.

Năm 2020, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đối với ngành thép khi các DN sản xuất liên tục giảm giá để chiếm lĩnh thị phần. Ðặc biệt, thép nhập khẩu từ Trung Quốc với giá rẻ đang ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ trong nước. Xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc. Song đây cũng là "phép thử" để các DN ngành thép cơ cấu lại, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Bên cạnh đó, xuất khẩu thép dù được dự báo vẫn chưa hết khó, song Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1-8 được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm thép Việt Nam hiện diện rõ hơn ở thị trường này. Bản thân các DN cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận cơ hội cũng như phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật đã cam kết; nắm rõ khung pháp lý của thị trường và các rào cản kỹ thuật để chủ động hơn trong xuất khẩu, tránh vướng vào những rắc rối của các vụ kiện phòng vệ thương mại.

Các DN ngành thép Việt Nam cần có những bước đi phù hợp, chủ động tiếp cận, tăng năng lực cạnh tranh thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, tiếp tục rà soát, đánh giá lại chính sách bán hàng và hệ thống phân phối để có những điều chỉnh phù hợp, bảo đảm đẩy mạnh sản lượng tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối có tính ổn định và phát triển lâu dài.

Cùng với đó, việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành, cải tiến công nghệ trong sản xuất thép là các khâu cần được chú trọng thực hiện, từ đó giúp ngành thép có sự đột phá, vượt qua những khó khăn, thách thức đang hiện hữu. Cần nhanh chóng cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh theo tín hiệu của thị trường, tăng tính cạnh tranh thông qua tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị DN để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm thêm thị trường xuất khẩu để hạn chế thiệt hại.

Minh Khôi

Bạn đang đọc bài viết Ngành thép đối mặt khó khăn kép. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới