Chủ nhật, 28/04/2024 00:01 (GMT+7)
Thứ bảy, 30/10/2021 08:00 (GMT+7)

Ngành Gỗ chấp nhận lỗ để đạt kim ngạch 14,5 tỉ USD?

Theo dõi KTMT trên

Dù doanh nghiệp ngành gỗ vừa trải qua thời kì khó khăn bởi dịch bệnh nhưng tốc độ phục hồi diễn ra nhanh hơn dự báo.

Xuất khẩu tăng hơn 30%

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành gỗ Việt Nam, cả về chuỗi cung xuất khẩu và chuỗi cung nhập khẩu. Các tỉnh, thành phố chế biến gỗ của cả nước đều trở thành trung tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… Tuy nhiên, đến thời điểm này dịch Covid-19 đã cơ bản dần được kiểm soát, nhiều địa phương đã từng bước mở cửa và cho phép mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp chế biến gỗ của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho thấy: “46% số doanh nghiệp ngành gỗ cho biết doanh thu năm 2021 sẽ không thay đổi so với năm 2020, trong khi có 37% số doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu và chỉ có 17% số doanh nghiệp cho rằng sẽ tăng được doanh thu…”.

Những số liệu trên cũng khẳng định tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh hơn dự đoán trong 2-3 tháng trước đây. Đây là tín hiệu rất tích cực cho ngành.

TS Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends cho hay: "Mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 9 tháng tăng so với 9 tháng của 2020, tuy nhiên mức tăng trưởng này chủ yếu là do kim ngạch từ nửa đầu của 2021 mang lại".

Ngành Gỗ chấp nhận lỗ để đạt kim ngạch 14,5 tỉ USD? - Ảnh 1
Giá trị xuất khẩu G&SPG của Việt Nam, 2020 - 9 tháng năm 2021. (Ảnh: Tổng cục Hải quan)

Trong 9 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,76 tỉ USD tăng 30,5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên trong tháng 9 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của ngành chỉ đạt 691,49 triệu USD giảm 14,1% so với tháng 8/2021 và giảm 38,3% so với tháng 9/2020.

Tháng 10 tuy chưa có số liệu chính thức, nếu tính thêm nửa đầu tháng 10/2021, lũy kế kim ngạch xuất khẩu gỗ là 11,5 tỉ USD và 0,7 tỉ USD lâm sản ngoài gỗ đã tạo thêm động lực tăng trưởng cho mặt hàng này. Các mặt hàng xuất khẩu nhiều gồm: Đồ gỗ đạt 4,83 tỉ USD, ghế ngồi đạt 2,68 tỉ USD, dăm gỗ đạt 1,33 tỉ USD, viên nén đạt gần 300 triệu USD...

Điều này cho thấy, nếu các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát như hiện nay thì khả năng đạt 14-14,5 tỉ USD xuất khẩu gỗ là có thể hoàn thành.

Chịu lỗ để giữ khách

Đánh giá về tình hình hậu giãn cách, chuyển sang bình thường mới, thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, TS Tô Xuân Phúc chia sẻ thêm: “Kết quả khảo sát 131 doanh nghiệp ngành gỗ với các quy mô khác nhau trong tháng 10 cho thấy chỉ còn khoảng 8% số doanh nghiệp dừng hoạt động”.

Có thể thấy được rằng, ngành gỗ Việt đang trên đà phục hồi và có cơ hội rộng mở ở thị trường đầu ra. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng, ngành gỗ cũng đang đứng trước một số khó khăn lớn.

Theo như tìm hiểu được, giá nguyên liệu gỗ trên thế giới đang tăng mạnh 20-30% so với năm ngoái. Ngay cả giá nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước cũng tăng. Việc này tạo thêm gánh nặng cho các doanh nghiệp trong nước sau thời gian dài chống chọi với dịch.

Một số chủng loại gỗ bị doanh nghiệp Trung Quốc gom hàng, đẩy giá lên rất cao khiến doanh nghiệp Việt Nam không mua nổi. Ngay cả gỗ thông nhập khẩu cũng đã tăng giá 5%-7% so với đầu năm. Ngoài ra, các nguyên phụ liệu khác như: Sơn, vải, nệm, mút cũng tăng giá, đứt hàng do nhà cung cấp bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Hơn nữa, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ hiện nay không chỉ chịu áp lực về giá gỗ nguyên liệu tăng mà còn phải gánh thêm phần chi phí vận chuyển container cao ngất ngưởng. Trước đây, một container đi châu Âu có phí vận chuyển khoảng 2.000 USD, nay tăng lên 12.000 - 13.000 USD, thậm chí lên tới 20.000 USD nếu vận chuyển đến các bang miền Đông nước Mỹ.

Ngành Gỗ chấp nhận lỗ để đạt kim ngạch 14,5 tỉ USD? - Ảnh 2
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) bày tỏ băn khoăn, dù giá nguyên liệu tăng, phí vận chuyển tăng nhưng doanh nghiệp rất khó đàm phán giá cả với những hợp đồng đã ký từ trước. Doanh nghiệp gỗ phải chấp nhận lỗ để giữ chân khách hàng vì thời gian qua, do giãn cách xã hội, nhiều đơn hàng không thể giao đúng tiến độ nên khó có thể yêu cầu khách đồng ý giá mới.

Nhìn nhận nhu cầu về gỗ sẽ ngày càng lớn hơn nên việc giá nguồn nguyên liệu này sẽ là thách thức trong thời gian tới. Do vậy, doanh nghiệp trong ngành cần tính toán gia tăng hiệu quả sử dụng để có thể tiết kiệm nguyên liệu gỗ; Đồng thời, nắm bắt các xu hướng kết hợp các nguyên liệu khác để bảo đảm giá thành tốt nhất.

Thu Hà (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ngành Gỗ chấp nhận lỗ để đạt kim ngạch 14,5 tỉ USD?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Lâm Đồng tăng cường thu ngân sách năm 2024
UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện kịp thời, đầy đủ, có hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Tin mới