Ngành bất động sản áp đảo trái phiếu doanh nghiệp tháng 1
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 được dự báo sẽ tiếp tục phát triển cả về quy mô lẫn tính đa dạng sản phẩm. Tháng đầu tiên của năm, gần 22.710 tỷ đồng trái phiếu đã được phát hành ở thị trường trong nước, tăng 41,24% so với cùng kỳ.
Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) từ ngày 1/1/2021 được quy định đồng bộ tại Luật Chứng khoán năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Sau 12 tháng triển khai các quy định mới, thị trường TPDN tiếp tục là kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành thận trọng.
Số liệu từ Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy, tổng cộng trong cả năm 2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã phát hành thành công 665.700 tỷ đồng TPDN ra thị trường, tăng trưởng khoảng 49% so với năm 2020, trong đó kênh phát hành riêng lẻ chiếm khoảng 97%, còn lại phát hành ra công chúng chiếm 3% tổng khối lượng. Kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu này là 4,15 năm, lãi suất 8,1%/năm.
Trong tháng 1/2022, bất động sản (BĐS) và xây dựng là hai nhóm ngành có khối lượng phát hành TPDN lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 14.470 tỷ đồng và 7.130 tỷ đồng, chiếm 55,8% và 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng.
Với nhóm ngành BĐS, CTCP Đầu Tư và Phát Triển Eagle Side là doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn nhất với 3.930 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm. CTCP Phát Triển Đất Việt đứng ở vị trí thứ hai với 1.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.
Ở nhóm ngành xây dựng, CTCP Xây Dựng Minh Trường Phú và CTCP Đầu Tư Xây Dựng Tường Khải lần lượt phát hành 2.950 tỷ đồng và 2.990 tỷ đồng, cả 2 mã trái phiếu đều có kỳ hạn 01 năm.
Còn lại, tại nhóm ngành ngân hàng, điểm đáng chú ý là có 3 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (3.623 tỷ đồng). Các trái phiếu này đều có lãi suất thả nổi (tham chiếu trung bình lãi suất tiết kiệm 12 tháng của 4 ngân hàng nhóm "big 4" cộng biên độ 0,5-1%, kỳ hạn từ 7 đến 10 năm và nhằm mục đích tăng vốn cấp 2.
Nhóm các doanh nghiệp phát hành trên 1.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 1 còn bao gồm: CTCP Xây dựng Minh Trường Phú (2.950 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (xấp xỉ 2.209 tỷ đồng), CTCP Hưng Thịnh Investment (2.000 tỷ đồng), CTCP Phát triển Đất Việt (1.600 tỷ đồng),...
Ngoài ra, CTCP Bamboo Capital phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất là 11,5%/năm. Hai doanh nghiệp khác là CTCP Du lịch Thành Thành Công và Ngân hàng TMCP Bản Việt cũng phát hành trái phiếu với lãi suất cạnh trạnh ngay tháng đầu năm, lần lượt là 9,5%/năm và 8,6%/năm.
Theo tổng hợp mới đây của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổng giá trị phát hành của TPDN trong tháng 1/2022 đạt 22.710 tỷ đồng, tăng 41,24% so với cùng kỳ.
Công ty chứng khoán này cho rằng mức tăng mạnh so với cùng kỳ có được do trong tháng 9/2020, Nghị định số 81 của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực thi hành, thắt chặt hơn các điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ đã khiến cho lượng phát hành TPDN trong các tháng ngay sau đó giảm sút đáng kể.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính cũng đang thực hiện lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Nghị định 153 về phát hành TPDN riêng lẻ. Những động thái này được kỳ vọng sẽ giúp giảm rủi ro tăng nóng và vỡ nợ cho thị trường TPDN, giúp cho thị trường này có được sự phát triển bền vững hơn, BVSC nhận định.
Trước đó, những tháng cuối năm 2021, thị trường TPDN đã ghi nhận sự ganh đua quyết liệt giữa hai nhóm BĐS và ngân hàng trong cuộc chiến phát hành.
Với khối lượng phát hành lớn, lên tới 9.970 tỷ đồng và 9.000 tỷ đồng, lần lượt của VPBank và VIB trong tháng 12, kết thúc năm 2021, nhóm ngân hàng đã trở lại vị trí dẫn đầu về phát hành TPDN sau 2 tháng tụt xuống vị trí thứ 2, sau BĐS.
Bùi Hằng (T/h)