Ngân hàng ACB báo lãi kỷ lục, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,74%
Năm 2022, ACB ghi nhận lợi nhuận tăng hơn 40% lên 17.100 tỷ đồng và giữ được tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 0,74% .
Vẫn tăng trưởng tốt trong bối cảnh xu hướng toàn ngành kém
Mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt trên 17.100 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, chỉ tính riêng quý IV/2022, nhà băng này đã ghi nhận hơn 7.900 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hầu hết mảng kinh doanh của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng trong quý vừa qua. Cụ thể, thu nhập lãi thuần quý IV/2022 đã tăng 35%, đóng góp 6.454 tỷ đồng, các mảng kinh doanh ngoài lãi cũng đạt tăng trưởng cao với lãi thuần từ dịch vụ tăng 24%, mang về 927 tỷ; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 112%, mang về 504 tỷ; lãi từ hoạt động khác tăng 104%, góp 164 tỷ đồng…
Nhờ các mảng kinh doanh tăng trưởng cao kể trên, bất chấp việc ghi nhận lỗ thuần hơn 110 tỷ đồng ở hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư, ACB vẫn ghi nhận doanh thu thuần tăng cao trong quý gần nhất.
Sau khi trừ chi phí hoạt động trong kỳ, ngân hàng này thu về khoản lãi trước thuế đạt 3.611 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thu nhập cũng tăng tương ứng, đạt 2.870 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2022, ACB ghi nhận tổng cộng 28.790 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 17.114 tỷ, tăng lần lượt 22% và 43%. Đáng chú ý, kết quả lợi nhuận này không chỉ vượt 14% kế hoạch cổ đông ngân hàng đã đề ra mà còn là mức lãi trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACB. Sau khi trừ thuế thu nhập, nhà băng này thu về khoản lãi ròng 13.688 tỷ đồng, cũng tăng tới 43%.
Cuối năm 2022, tổng tài sản của ACB đạt 606.960 tỷ đồng, tăng 15,9% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 15,2% lên 410.153 tỷ đồng, ngân hàng tiếp tục không nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp. Tiền gửi khách hàng tăng 9,3% lên 415.754 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 22,2%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu ACB ở mức thấp 0,74%, giảm so với 0,78% cuối năm 2021 và là năm thứ 7 liên tiếp ở mức dưới 1%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 155%.
Bổ nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc mới
Vừa qua, Ban điều hành ACB cũng đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Ngô Tấn Long vào vị trí Phó Tổng giám đốc, phụ trách mảng Khách hàng Doanh nghiệp. Ông Ngô Tấn Long có bằng thạc sĩ ngành Kinh tế - Đại học Kinh tế TP.HCM. Ông tham gia vào ACB từ 2008 và luân chuyển nhiều vị trí quan trọng tại ACB trong 15 năm qua như Trưởng phòng Phân tích Tín dụng và Định chế Tài chính - Khối khách hàng Doanh nghiệp; Giám đốc Trung tâm Phê duyệt Tín dụng Doanh nghiệp; Giám đốc Chi nhánh; Phó Giám đốc khối Khách hàng Doanh nghiệp; Giám đốc vùng. Ông Long luôn thực hiện tốt vai trò người lãnh đạo dù đảm nhiệm bất cứ vị trí nào. Bản thân ông Long cũng nhiều lần nhận được giải thưởng công nhận là lãnh đạo trẻ xuất sắc toàn diện trên toàn hệ thống ACB.
Trên cương vị Phó Tổng giám đốc, ông Ngô Tấn Long là mảnh ghép quan trọng cho đội ngũ lãnh đạo cấp cao, giàu kinh nghiệm quản lý và giỏi chuyên môn của ACB. Ông Long được kỳ vọng sẽ cùng với đội ngũ nhân viên giúp ACB chinh phục vị trí ngân hàng dẫn đầu trong mảng Khách hàng Doanh nghiệp trên thị trường.
Hà Lan