Ngắm sao chổi Neowise 7.000 năm mới bay qua Trái đất
Những người yêu thiên văn trên toàn thế giới đang nhận được một ân sủng từ bầu trời khi có cơ hội duy nhất trong đời để chiêm ngưỡng màn trình diễn của sao chổi Neowise, bởi thiên thể này sẽ không quay lại gần mặt trời trong gần 7.000 năm nữa.
Một hình ảnh chưa được xử lý từ thiết bị WISPR trên nhiệm vụ thăm dò mắt trời Parker Solar của NASA ngày 5/7 cho thấy sao hỏa Neowise ngay sau khi tiếp cận gần nhất với mặt trời. Ảnh: NASA. |
Sao chổi Neowise, còn gọi là C/2020, đến từ những nơi xa nhất trong hệ mặt trời của chúng ta đang phát sáng vào mỗi đêm trên bầu trời của Trái đất. Đây có thể xem là cơ hội chiêm ngưỡng có một không hai, bởi sao chổi phát sáng này sẽ không quay trở lại hành tinh xanh cho đến tận năm 8.786.
Neowise đã tiếp cận gần với mặt trời vào ngày 3/7 và sẽ băng qua quỹ đạo Trái đất trên đường trở về các phần bên ngoài của hệ mặt trời vào giữa tháng 8.
Trước đó, vào ngày 27/3, các nhà thiên văn học đã quan sát thấy một sao chổi nhỏ mờ bay qua hành tinh chúng ta nhờ kính thiên văn vũ trụ Neowise của NASA. Họ xếp loại sao chổi này dưới tên C/2020 và không chú ý nhiều lắm, vì ánh sáng phát ra lúc đó rất yếu.
Trong hình ảnh chụp từ Trạm vũ trụ quốc tế vào ngày 5/7, sao chổi Neowise, bên trái, được nhìn thấy ở đường chân trời phía đông trên Trái đất. Ảnh: NASA. |
Nhưng sao chổi C/2020 đã sống sót để không bị thiêu rụi qua đợt tiếp cận mặt trời và đang quay ngược về Trái đất với độ sáng ngày một lớn hơn, được dự báo là sẽ bùng sáng mạnh và hoàn toàn có thể quan sát được bằng mắt thường.
Sao chổi Neowise được nhìn thấy phía trên thủ phủ Salgotarjan, Hungary ngày 10/7. Nó đi gần Mặt trời nhất vào ngày 3-7 và tiếp cận gần với Trái đất nhất vào ngày 23/7. Ảnh: AP. |
Dự kiến, bắt đầu từ ngày 12/7, C/2020 sẽ trở nên rõ nét hơn trên bầu trời đêm phía Tây Bắc, sau đó vị trí của sao chổi sẽ cao lên dần. Vào ngày 22/7, thiên thể này sẽ ở khoảng cách gần Trái đất nhất, đây cũng là thời điểm quan sát rất lý tưởng. Đến ngày 25/7 thì sao chổi sẽ nằm tại góc 30 độ từ đường chân trời phía Tây Nam, sau khi mặt trời lặn.
Những người yêu thiên văn trên toàn thế giới đang chạy đua để chụp màn trình diễn pháo hoa tự nhiên này trước khi sao chổi bay nhanh vào bóng tối của không gian. Ngay cả các phi hành gia trên Trạm vũ trụ quốc tế cũng quan sát được nó từ điểm thuận lợi của họ ở trên bầu khí quyển của Trái đất.
Sao chổi Neowise bay lên ở phía chân trời của buổi sáng sớm từ góc nhìn gần Đài tưởng niệm Quốc gia Colorado, Mỹ vào ngày 9/7. Ảnh: AP. |
Người quan sát có thể nhìn thấy lõi trung tâm hoặc hạt nhân của sao chổi bằng mắt thường trên bầu trời tối. Sử dụng ống nhòm sẽ giúp người xem có cái nhìn rõ hơn về sao chổi mờ và cái đuôi dài, sọc của nó, trông hơi giống chùm đèn pin hướng lên.
Sao chổi Neowise được nhìn thấy phía trên thị trấn Cered, Hungary, ngày 6/7. Ảnh: AP. |
Sẽ mất khoảng 7.000 năm trước khi sao chổi quay trở lại, "vì vậy tôi sẽ không chờ đợi chuyến đi tiếp theo", giám sát viên Joe Masiero, Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA cho biết.
Ông cho biết đây là sao chổi sáng nhất kể từ giữa những năm 1990 đối với các nhà thám hiểm ở Bắc bán cầu.
Hùng Anh