Thứ bảy, 23/11/2024 04:11 (GMT+7)
Thứ năm, 29/09/2022 11:09 (GMT+7)

Nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh hỗ trợ Việt Nam phục hồi bền vững

Theo dõi KTMT trên

Sự phục hồi tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022-2023 quan trọng nhất vẫn là nền tảng kinh tế vĩ mô, đó là điểm khác biệt lớn của Việt Nam và các nước khác, đây là nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động, việc Việt Nam giữ ổn định lạm phát dưới 4% là nhờ vào những chính sách đồng bộ được triển khai đồng loạt và có hiệu quả. Theo ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam có thể thấy chính sách tiền tệ linh hoạt cùng với chính sách tài khóa, đặc biệt là giảm thuế môi trường đối với xăng dầu cùng với sự chủ động về nguồn cung lương thực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào hiệu quả này.

ADB cho hay, ngoài động lực tăng trưởng truyền thống, nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững.

Nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh hỗ trợ Việt Nam phục hồi bền vững - Ảnh 1

Ngoài động lực tăng trưởng truyền thống, nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo cập nhật mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam là một trong những nước được dự báo có mức tăng trưởng tốt trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ở mức 7,2% trong năm nay.

Không chỉ World Bank, mà một số tổ chức quốc tế khác cũng chia sẻ về cái nhìn lạc quan đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định, sau giai đoạn phục hồi đáng kể vừa qua, Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, đúng mục tiêu của Chính phủ đề ra.

World Bank chia sẻ, nhu cầu nội địa của Việt Nam đã quay trở lại mức trước đại dịch, tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp và du lịch đều tích cực. Đó là nhờ chính sách điều hành về tài khóa và tiền tệ hợp lý của Chính phủ. Do đó, trong thời gian tới Việt Nam nên tập trung vào các chính sách để duy trì tăng trưởng và trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao.

Ông Aaditya Mattoo, Nhà Kinh tế trưởng, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, đánh giá: "Để làm được điều này, các bạn cần bước lên cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuyển dịch từ các ngành công nghiệp phụ thuộc vào lao động trung bình sang các ngành tạo ra giá trị gia tăng cao. Việt Nam vẫn còn hạn chế đầu tư vào dịch vụ nên những đổi mới sáng tạo của ngành dịch vụ trong tương lai sẽ tạo bước ngoặt giúp Việt Nam bứt phá. Một điều nữa là nguồn lực con người cũng cần được chú trọng phát triển hơn, đặc biệt là chất lượng cấp bậc đại học".

Nhận định của ADB cho biết, điểm khác biệt của Việt Nam so với các quốc gia ở châu Á là ngoài động lực tăng trưởng truyền thống, nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết: "Các chính sách điều hành về tài khóa và tiền tệ của Chính phủ Việt Nam đã chứng minh hiệu quả rõ rệt, giúp kiềm chế lạm phát ở mức 3,8% trong năm nay. Chúng tôi giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với GDP tăng 6,4% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023".

Tiềm năng tăng trưởng kinh tế tốt chính là yếu tố giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư lâu dài từ các quỹ ngoại trên toàn cầu. Điển hình như Quỹ đầu tư đến từ Phần Lan - Pyn Elite Fund, sau 15 năm đầu tư tại Việt Nam, đại diện quỹ này cho biết sẽ vấn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đầu tư lâu dài trong thời gian tới.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho biết: "Tôi nhận thấy cấu trúc nền kinh tế Việt Nam rất tuyệt vời, sự tăng trưởng về lâu dài là ở đây. Xuất khẩu 15 năm qua rất tốt, tăng gấp 5 lần thị phần trên thế giới. Các chính sách của Chính phủ cho vốn FDI cũng rất tốt, nếu nhìn về dài hạn, bất kể là thời gian nào, chính sách của Việt Nam vẫn không đổi, giữ cho đất nước phát triển tốt. Các nhà đầu tư ngoại như chúng tôi cảm thấy an tâm khi mọi thứ đều hòa hợp như vậy".

9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với việc các dòng tiền lớn vẫn tiếp tục chọn "ở lại" lâu dài từ các quỹ đầu tư, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB nhận định, rủi ro đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam vẫn còn cao. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Sự thiếu hụt về lao động dự kiến sẽ tác động đến việc phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực dịch vụ và các ngành sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Ngoài ra, việc chậm thực hiện giải ngân đầu tư công và các khoản chi tiêu xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện chương trình phát triển và phục hồi kinh tế của chính phủ, có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm sau.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh hỗ trợ Việt Nam phục hồi bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới