Thứ sáu, 19/04/2024 09:13 (GMT+7)
Thứ ba, 10/11/2020 16:00 (GMT+7)

Nam Định: Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Theo dõi KTMT trên

Tính đến thời điểm hiện tại tỉnh Nam Định đã cơ bản hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và ngân sách địa phương.

Thực hiện văn bản số 2656/BTNMT-TCMT ngày 19/5/2020 của Bộ TN&MT gửi các tỉnh báo cáo kết quả triển khai thực hiện xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020. Theo đó, năm 2020 là năm kết thúc của Kế hoạch và để có báo cáo phản ánh toàn diện kết quả thực hiện Quyết định số 1788/QĐ-TTg trên phạm vi cả nước.

Nam Định: Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng - Ảnh 1
Các khu Công nghiệp vấn đề môi trường luôn được trú trọng.

Ngay từ đầu, Nam Định đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ có trọng điểm đối với các cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Giao cho Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật về lĩnh vực môi trường. Do đó từ năm 2013 đến nay không để phát sinh thêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong thời gian từ năm 2007 – 2015,  tập trung xử lý 6 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng là Công ty Dệt Nam Định, công ty dệt lụa Nam Định, Công ty cổ phần dây lưới thép Nam Định; Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định; Bãi chôn lấp rác thải Lộc Hòa và kho thuốc bảo vệ thực vật (Xí nghiệp thuốc sát trùng Nam Định). Sở TN&MT tỉnh cũng đã xác nhận hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để đưa ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Cũng trong thời gian này Nam Định hoàn thành 3 dự án xử lý điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Cụ thể như dự án tại xã Hoành Sơn (Giao Thủy) từ năm 2012-2015. Dự án thực hiện xây dựng bể cô lập để xử lý đất ô nhiễm nặng, xử lý đất ô nhiễm nhẹ tại chỗ bằng phương pháp cày sới và phun hóa chất. Kết quả phân tích mẫu tại các vị trí lấy mẫu cho thấy hàm lượng hóa chất BVTV đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 54: 2013/BTNMT.

Điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu tại thôn Đông Mạc, phường Lộc Hạ, Tp Nam Định; thôn Vạn Điệp, xã Nam Phong (Nam Trực) cũng đã được triển khai, thực hiện và các chỉ số của kết quả phân tích mẫu đều nằm trong giới hạn cho phép. Tổng kinh phí thực hiện cho 3 dự án trên là 36 tỉ đồng.

Đối với dự án hỗ trợ xử lý môi trường cơ sở y tế, đến nay các cơ sở y tế đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo quy định, trong đó có 17 cơ sở y tế thuộc danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, được ra khỏi Quyết định 1788/2013/QĐ-TTg. Tổng kinh phí thực hiện là 172 tỉ đồng.

Nam Định: Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng - Ảnh 2
Lãnh đạo Sở TN&MT đi kiểm tra công tác bảo vệ môi trường.

Cụ thể như Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định xây dựng và đi vào vận hành lò đốt chất thải y tế công xuất 400kg/ngày đêm từ năm 2002, năm 2008 xây dựng xong và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải, công xuất 700m3/ngày đêm. Cùng với việc trang bị xe chuyên dụng vận chuyển chất thải y tế, kho chứa chất thải y tế. Năm 2012, Bệnh viện đã được Sở TN&MT tỉnh ra công nhận ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từ năm 2014-2016, Sở TN&MT tỉnh Nam Định cũng đã xác nhận 16 cơ sở y tế gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi danh sách. Đến năm 2018, Bệnh viện Mắt là cơ sở y tế cuối cùng hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải với công suất 150m3/ngày đêm và được Sở TN&MT công nhận hoàn thành việc thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ra khỏi quyết định trên.

Bãi rác Lộc Hòa, xã Lộc Hòa (Tp Nam Định) đã từng là điểm đen về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tỉnh Nam Định đã quyết định cho dừng hoạt động, xây dựng tường rào, thường xuyên phun thuốc diệt côn trùng gây bệnh, cải tạo thành thành khu vực trồng cây xanh, với tổng kinh phí trên 5 tỉ đồng. Ngoài ra, dự án khắc phục ô nhiễm môi trường tại làng nghề Bình Yên, xã Nam Thanh (Nam Trực) đã hoàn thành giai đoạn I với tổng kinh phí 50 tỉ đồng. Hiện dự án đã được chuyển cho UBND huyện Nam Trực làm chủ đầu tư tiếp tục thực hiện giai đoạn II dự án này.

Hiện tại trên địa bàn Nam Định qua điều tra, khảo sát của Sở TN&MT hiện tại còn 4 điểm gây ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu tại các huyện Nam Trực, Vụ Bản.

Trao đổi vấn đề này với bà Nguyễn Thị Hường, Phó Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Nam Định) được biết: Nam Định tiếp tục mong nhận được sự quan tâm của các bộ ngành Trung ương, hỗ trợ địa phương xử lý dứt điểm những điểm đen về môi trường nêu trên nhằm phát triển kinh tế bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường.

Doãn Kiên

Bạn đang đọc bài viết Nam Định: Xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Huy động thêm 400 người tham gia chữa cháy rừng tại Cà Mau
Tỉnh Cà Mau đã huy động thêm 400 người tham gia cháy rừng tại Nông trường 402, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Đến khoảng gần 3 giờ ngày 11/4, đám cháy cơ bản được khống chế, không để xảy ra cháy lan ra khu vực lân cận.

Tin mới