Nam Cực - Mục tiêu cạnh tranh không chỉ giữa Australia và Trung Quốc
Chính phủ Australia mới đây khẳng định sẽ không nhượng bộ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Nam Cực.
Không chỉ là vấn đề giữa Australia và Trung Quốc, Nam Cực được dự báo sẽ là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa một số nước có liên quan trong thời gian tới.
Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Môi trường Australia, phụ trách vấn đề Nam Cực Sussan Ley cảnh báo, sẽ không có sự đánh đổi giữa nước này với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền tại Nam Cực. Bà Ley tuyên bố, mỗi quốc gia đều có quyền theo đuổi lợi ích riêng trong khu vực. Và các bên sẽ đạt được tham vọng của mình nếu vì mục đích hòa bình và khoa học và tuân thủ Hiệp ước Nam Cực.
Hình ảnh Nam Cực chụp từ ngoài không gian. Ảnh: Depositphotos |
Australia hiện phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc với khu vực Dome A và việc Trung Quốc thiết lập bộ quy tắc ứng xử đối với khu vực này, nơi mà Australia tuyên bố chủ quyền. Dome A nằm trên đỉnh một tảng băng lớn, có vị trí lý tưởng để quan sát không gian và vệ tinh.
Trong khi đó, Trung Quốc phản đối đề xuất thành lập một công viên hải dương tại Nam Cực của Australia vốn được Pháp và Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn. Theo đề xuất này, Australia sẽ tiến hành bảo tồn các rạn san hô nước sâu và hạn chế đánh bắt cá tại các đại dương ngoài khơi vùng yêu sách lãnh thổ của nước này.
Ngoài Trung Quốc, Nga cũng phản đối đề xuất của Australia về việc thành lập công viên hải dương tại Nam Cực khi cho rằng không có dữ liệu về việc công viên này có thể đạt được mục đích đề ra.
Trong lúc đang gặp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc và Nga, các nước thành viên Ủy ban bảo tồn tài nguyên sinh vật biển ở Nam Cực sẽ nhóm họp tại Hobart, thủ phủ bang Tasmania của Australia vào tuần tới để thảo luận đề xuất của Australia về việc xây dựng một công viên hải hương mới tại Nam Cực.
Không chỉ mâu thuẫn về việc xây dựng công viên hải dương hay việc kiểm soát Dome A, gần đây, truyền thông Australia còn đưa ra nhiều thông tin chưa được kiểm chứng về việc một số nước xây dựng căn cứ quân sự hoặc đưa các thiết bị phục vụ mục đích quân sự tới Nam Cực. Mặc dù những hành động này đều không được phép theo khuôn khổ Hiệp ước Nam Cực song đến lúc này chưa bên nào đưa ra bằng chứng về những cáo buộc này.
Nam Cực là một vùng đất được bao phủ bởi băng giá nằm ở cực Nam của bề mặt trái đất. Hiện nay Nam Cực không phải là phần lãnh thổ của một quốc gia nào nhưng hiện có ít nhất 7 nước đang tuyên bố chủ quyền đối với từng khu vực tại Nam Cực, trong đó có Argentina, Australia, Chile, Pháp, New Zealand, Na Uy và Anh.
Tuy nhiên Hiệp ước Nam Cực được ký kết năm 1961 không công nhận bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào đối với Nam Cực và khẳng định, khu vực này chỉ được sử dụng vì mục đích hòa bình.
Mặc dù là khu vực có khí hậu lạnh nhất thế giới nhưng Nam Cực ngày càng nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia. Thứ nhất là do Nam Cực có vị trí địa lý đặc biệt, là lục địa cao nhất thế giới với độ cao trung bình là 2.800m trên mực nước biển. Đặc biệt là vùng Dome A, với độ cao 4.093m được cho là khu vực lý tưởng để quan sát không gian và vệ tinh.
Thứ hai, Anh cho rằng, Nam Cực là một vùng đất rất quan trọng đối với khoa học vì ảnh hưởng sâu sắc của nó đối với hệ thống khí hậu và đại dương trên trái đất. Ẩn mình trong dải băng dày tới 4km cũng là những thông số vô giá về khí hậu của hành tinh chúng ta trong hơn 1 triệu năm qua. Bên cạnh đó, khu vực này còn được cho là nơi có trữ lượng dầu mỏ lên tới 200 tỉ thùng, nhiều hơn cả trữ lượng dầu mỏ của Kuwait và Abu Dhabi.
Có lẽ vì những lý do này nên khi được công nghệ hỗ trợ, nhiều quốc gia đang dần vượt qua những trở ngại về thời tiết để có thể tiếp cận Nam Cực, bắt đầu khởi động “cuộc đua” giành ưu thế tại vùng đất lạnh nhất thế giới này.