Thứ ba, 23/04/2024 18:37 (GMT+7)
Thứ năm, 22/12/2022 06:55 (GMT+7)

Năm 2023, thế giới tiếp tục trải qua 1 năm nắng nóng kỷ lục

Theo dõi KTMT trên

Cơ quan khí tượng Met của Anh cho hay, năm 2023, nhiệt độ toàn cầu sẽ cao hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Dự báo, đây sẽ là một trong những năm nóng nhất được ghi nhận và thậm chí còn ấm hơn năm 2022.

Theo đó, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào năm 2023 được dự đoán sẽ cao hơn khoảng 1,2 độ C so với trước khi con người bắt đầu gây ra biến đổi khí hậu. Như vậy, đây sẽ là năm thứ 10 liên tiếp chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn ít nhất 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp (năm 1850-1900).

Từ năm 1850 đến nay, năm nóng nhất được ghi nhận vẫn là năm 2016, thời điểm xảy ra hiện tượng El Niño ở Thái Bình Dương, đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức đỉnh. 

Lý giải nguyên nhân, các nhà nghiên cứu tại Met cho rằng, năm 2023 duy trì đà tăng nhiệt và trở nên nắng nóng cực đoan hơn là do không có hình thái thời tiết La Nina làm mát.

Năm 2023, thế giới tiếp tục trải qua 1 năm nắng nóng kỷ lục - Ảnh 1
Dự báo, năm 2023 sẽ là năm thứ 10 liên tiếp chứng kiến nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn ít nhất 1 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.

Hiện tượng này xảy ra khi gió xích đạo mạnh hơn, thổi từ Đông sang Tây, làm giảm nhiệt độ bề mặt nước biển trên phần xích đạo phía Đông của trung tâm Thái Bình Dương.

TS Nick Dunstone của Văn phòng Met cho biết nhiệt độ toàn cầu trong ba năm qua đã bị ảnh hưởng bởi tác động của La Nina. Nó có tác dụng hạ nhiệt tạm thời đối với nhiệt độ trung bình toàn cầu. Trong năm tới, mô hình khí hậu cho thấy hình thái La Nina sẽ kết thúc sau ba năm liên tiếp, khiến nhiệt độ trở nên ấm hơn tương đối ở các vùng của Thái Bình Dương. Theo ông, sự thay đổi này có khả năng làm cho nhiệt độ toàn cầu năm 2023 ấm hơn so với năm 2022.

Năm nóng nhất trong lịch sử ghi chép dữ liệu từ năm 1850 đến nay là năm 2016, khi chứng kiến mô hình khí hậu ngược lại với La Nina là El Nino. El Nino là sự nóng lên bất thường của nước biển bề mặt ở vùng nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương, và đẩy nhiệt độ toàn cầu lên cao hơn so với xu hướng nóng lên toàn cầu.

Theo Met, tình trạng nhiệt độ toàn cầu cao hơn mức trung bình của những năm 1850 - 1900 đã thực sự tăng lên trong thập kỷ qua. Chuỗi năm nóng lục bắt đầu vào năm 2014 và kể từ đó, nhiệt độ toàn cầu liên tục vượt quá mốc 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong năm tới, Cơ quan khí tượng Met dự báo nhiệt độ trung bình toàn cầu là tăng từ 1,08 độ C - 1,32 độ C.

Trong năm 2022, nắng nóng khắc nghiệt lên tới hơn 40 độ C những ngày qua đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. Nắng nóng kỷ lục trên toàn cầu được cảnh báo sẽ ngày càng phổ biến do ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu và sự thiếu vắng hành động làm chậm lại tiến trình này từ nhiều quốc gia. Thực trạng đáng lo ngại đòi hỏi những giải pháp ứng phó toàn diện.

Đáng chú ý, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hiện tượng nắng nóng kỷ lục. Tính đến ngày 17/7, khu vực Tây Nam châu Âu đang trải qua ngày thứ 6 của đợt nắng nóng bất thường dẫn tới tình trạng cháy rừng ở nhiều nơi và khiến hàng nghìn người phải đi sơ tán. Tại nhiều địa phương ở Tây Ban Nha, các nhân viên cứu hỏa đang phải vật lộn để khống chế những đám cháy rừng sau nhiều ngày nhiệt độ tăng lên trên 40 độ C. Thậm chí, nhiệt độ tại thành phố Ourense của Tây Ban Nha có thời điểm lên tới 47 độ C. Theo thống kê, đã có ít nhất 360 trường hợp tử vong liên quan đến đợt nắng nóng đang diễn ra ở Tây Ban Nha.

Bộ Y tế Italia ngày 22/7 đã ban bố cảnh báo đỏ do nắng nóng gay gắt tại 16 thành phố. Trong khi đó, tại Anh, nhiệt độ tại sân bay Heathrow (London) ngày 19/7 đã lên đến 40,2 độ C, phá vỡ kỷ lục 38,7 độ C của năm 2019, trong khi thị trấn Coningsby (Lincolnshire) đạt mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 40,3 độ C. Còn ở Pháp, cơ quan khí tượng đo được nhiệt độ kỷ lục tại 64 khu vực trên toàn quốc... Các cộng đồng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng oằn mình chống chọi với nhiệt độ cao, trong đó nhiệt độ phía Nam Tây Ban Nha được dự báo vượt mức 44 độ C.

Bên kia Đại Tây Dương, hơn 50% số bang của Mỹ đã phát cảnh báo về nền nhiệt cao trong sáng 21/7, với nhiệt độ cao nhất là 46 độ C tại Texas và Oklahoma. Tại châu Á, nhiều thành phố của Trung Quốc ban bố cảnh báo đỏ cao nhất, khi nền nhiệt nhiều khu vực đã vọt lên trên 44 độ C. Ở Nhật Bản, nhiệt độ tại Isesaki (cách Tokyo 85km về phía Tây Bắc) đã lên tới 40,2 độ C, phá vỡ kỷ lục tháng 6 nóng nhất của Nhật Bản là 39,8 độ C vào năm 2011.

Cùng với đó, hàng trăm vụ cháy rừng đã xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt nghiêm trọng tại Italia. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nắng nóng đồng nghĩa nhu cầu tiêu thụ điện tăng, trở thành quan ngại trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, nhất là với châu Âu vốn đang thiếu khí đốt nghiêm trọng kể từ khi chiến sự tại Ukraine bùng phát. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cũng phát đi cảnh báo, nắng nóng sẽ tạo ra thách thức cho hệ thống y tế do nhu cầu điều trị tăng cao.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Năm 2023, thế giới tiếp tục trải qua 1 năm nắng nóng kỷ lục. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hà Tĩnh khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024
Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức khai mạc lễ hội du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.