Mùa ô môi trên quê hương miền Tây
Mỗi năm cứ độ tháng ba, tháng tư, ở miền tây sông nước Cửu Long, hoa ô môi lại nhuộm hồng cả một góc trời quê. Đi dọc trên các tuyến đường nông thôn, không khó bắt gặp những chùm ô môi đỏ hồng đẹp nao lòng cứ đong đưa trong nắng gió.
Cũng như năm ngoái, cũng mùa này, bạn phương xa nhắn tin hỏi ở quê có bông ô môi chưa. Biết bạn hỏi thì hỏi vậy, chứ phần vì ngại dịch bệnh, phần vì lo cơm áo gạo tiền, biết khi nào bạn về. Mà khi sắp xếp được, về đến quê thì ô môi đã thay lá mới, vẫn còn vài trái trên cành, muốn xem hoa rụng đầy sân cũng không còn.
Từng dòng tin nhắn của bạn như chạm vào quá khứ, chạm vào cả một khung trời tuổi thơ. Nhớ lại hồi trước, ở các tỉnh miền tây, đặc biệt là Đồng Tháp, cây ô môi mọc rất nhiều. Ngày nay, dù ô môi thưa dần, nhưng thi thoảng thênh thang trên những con đường làng, ta không khó bắt gặp được loại cây này. Ô môi vẫn chung thủy với bến sông quê, nơi đầu xóm, với khoảng sân trước nhà, kiêu hãnh khoe sắc ở bờ đê - trên những cánh đồng lúa vừa xuống giống độ chừng chục ngày hơn.
Đâu đó ở góc sân trường, ô môi trổ từng chùm bông dày đặc, chen vào đó là những trái màu nâu đen, dáng cong cong làm cho lòng người xuyến xao, như nhắc nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu. Đó là một góc trời ký ức đẹp của những đứa trẻ quê với những tháng năm đong đầy. Cũng mùa này, ngày ấy, mỗi khi vừa vào sân trường là năm ba đứa tụm lại lượm trái ô môi rụng đập dập ra; có đứa bạn còn chạy về nhà mang dao róc trái để ăn. Ngồi dưới nắng trưa từng đợt gió thoảng qua, vừa ăn ô môi, vừa cảm nhận được từng bông đỏ hồng rụng rơi trên tóc, trên đôi chân trần mà cảm giác là lạ, thích thích.
Nay ngày càng có nhiều loại hoa để ngắm, trồng quanh nhà. Thế nhưng, hoa ô môi vẫn có một nét đẹp riêng, rực rỡ mà dung dị. Để rồi cứ mỗi độ tháng ba về, hoa ô môi lại quyến rũ làm cho lòng người say đắm.
Hữu Nghĩa