Thứ tư, 16/10/2024 17:34 (GMT+7)
Thứ tư, 16/10/2024 14:30 (GMT+7)

Một năm gần như không dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công Thương cho biết, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, nên hầu như không phải dùng đến Quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu.

Mới đây, thống kê của Bộ Tài chính cho biết, cơ quan quản lý sử dụng khoảng 9,7 tỷ đồng từ Quỹ bình ổn xăng dầu trong quý II năm nay và trích lập vào quỹ này gần 29,3 tỷ đồng. Các doanh nghiệp có số dư quỹ bình ổn dương nhận được 3,2 tỷ đồng tiền lãi trong kỳ. Trong khi, đơn vị bị âm quỹ này phải trả lãi vay 5,9 tỷ.

Như vậy, tính tới hết tháng 9, Quỹ bình ổn xăng dầu dư hơn 6.061 tỷ đồng, giảm khoảng 18 tỷ so với quý trước đó. Thực tế, từ tháng 10/2023 đến nay cơ quan quản lý đã dừng trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu. So với cuối 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.

Tại Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 9 và 9 tháng năm nay, Bộ Công Thương đã giải thích về lý do không sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Một năm gần như không dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì? - Ảnh 1
Quỹ bình ổn giá xăng dầu không được sử dụng trong thời gian dài.

Theo đó, Bộ Công Thương cho biết, kể từ khi thực hiện điều hành giá xăng dầu rút xuống 7 ngày theo Nghị định số 80 năm 2023 về kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Cùng với đó các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

Theo Bộ Công Thương, với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần, mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh không lớn, giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá thế giới.

Do vậy, các doanh nghiệp chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch đăng ký theo từng quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo.

Do đó, Bộ nhấn mạnh, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, hầu như không phải dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Trước đó, trả lời trên báo VTC News về những thắc mắc không sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, việc không trích, không chi quỹ bình ổn giá xăng dầu trong gần 1 năm qua là do tuân theo quy định của pháp luật.

“Bây giờ mình điều hành giá trong thời gian 7 ngày để sát với giá thế giới và mức giá điều chỉnh chưa đạt theo quy định tại Thông tư 103, 104 nên cơ quan chức năng không tiến hành chi, trích sử dụng. Còn việc tồn quỹ thì vẫn được thực hiện theo Nghị định 80, quỹ vẫn để tại doanh nghiệp và do Ngân hàng Nhà nước phong tỏa”, bà Hiền cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, mục tiêu của quỹ bình ổn là được sử dụng khi giá bất ổn, nhưng giá xăng dầu trong nước hiện đang ổn định, nguồn cung dồi dào và giá hợp lý. Vì thế, việc không sử dụng quỹ là điều dễ hiểu.

Quỹ bình ổn xăng dầu được lập theo Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và 95). Quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước, do 36 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự thu chi, quản lý tại tài khoản ngân hàng. Mức trích lập và chi sẽ do cơ quan quản lý quyết định tại mỗi kỳ điều hành.

Tuy nhiên, việc này dẫn tới nguy cơ doanh nghiệp chiếm dụng quỹ. Kết luận của Thanh tra Chính phủ trước đây cho biết, có 7/15 đầu mối xăng dầu đã sử dụng sai mục đích Quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại với số tiền là 7.927 tỷ đồng. Ba doanh nghiệp đầu mối là Hải Hà Petro, Tập đoàn Thiên Minh Đức, Xuyên Việt Oil bị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý các vi phạm liên quan đến sử dụng quỹ.

Trong đó, Xuyên Việt Oil bị cáo buộc gây thất thoát 219 tỷ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Hải Hà Petro nợ quỹ khoảng 612 tỷ. Hiện hai doanh nghiệp này chưa nộp số dư quỹ về ngân sách, theo đại diện Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính).

Nói về số doanh nghiệp bị cho là đang chiếm dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thông tin, hiện nay có doanh nghiệp đang giữ đủ quỹ, số dư vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và đang phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp này. Cũng có doanh nghiệp đang bị điều tra về số dư của quỹ. Bộ Công Thương sẽ chuyển hồ sơ về cơ quan điều tra để xem xét theo thẩm quyền và sau này xử lý bằng cách thu hồi.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Một năm gần như không dùng đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn giữ giá cao
Giá gạo Việt vẫn ổn định nhờ chuyển dịch sang các dòng gạo thơm dẻo như ST25, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế dù Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu.

Tin mới

Sun Symphony Residence - 'tọa độ tinh hoa' mới của Đà thành
Giới quy hoạch trên thế giới có một “truyền thuyết”: muốn hình dung về sự phát triển của một thành phố, hãy đến bên bờ những dòng sông trong lòng đô thị. Bên dải lụa Hàn giang vắt ngang Đà thành, đẳng cấp của một thành phố đáng sống hàng đầu châu lục