Mô hình tôm – lúa được đánh giá sẽ phát triển bền vững tại vùng ĐBSCL
Để mô hình tôm - lúa trở thành mô hình kinh tế bền vững tại vùng ĐBSCL, các nhà khoa học cho rằng, các địa phương tại tỉnh ĐBSCL cần xử lý các bất cập trong vấn đề kỹ thuật, tổ chức sản xuất...
Ngày 16/5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Giải pháp xử lý môi trường sản xuất tôm - lúa vùng ĐBSCL”.
Tham gia diễn đàn có sụ hiện diện của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung tâm khuyến nông Quốc gia, lãnh đạo các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học và bà con nông dân tại các tỉnh.
Được biết, mô hình tôm – lúa đã được triển khai từ rất nhiều năm và được đánh giá là mô hình phát triển bền vững đem lại thu nhập cao cho người nông dân, nhất là những hộ ở vùng biển biển ĐBSCL. Động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mô hình tôm – lúa bắt đầu từ năm 2000, từ khi có Nghị quyết số 09 cho phép chuyển đổi những vùng đất kém hiệu quả như đất sản xuất lúa, sản xuất muối,vùng đầm lầy ven biển sang nuôi tôm, mô hình tôm - lúa phát triển nhanh từ 71.000 ha lên hơn 200.000 ha nuôi tôm, chiếm 29,6% so với diện tích nuôi tôm của các tỉnh ĐBSCL, sản lượng tôm nuôi đạt gần 129.000 tấn.
Đánh giá về việc phát triển mô hình tôm – lúa tại Kiên Giang, đại diện UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, Kiên Giang là tỉnh có diện tích nông nghiệp lớn nhất vùng ĐBSCL đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa bị nhiễm mặn sang mô hình tôm - lúa từ rất sớm và cho hiệu quả kinh tế cao hơn 3 - 4 lần so với trồng lúa thâm canh. Năm 2017, toàn tỉnh chỉ có 6,5 ha sản xuất tôm - lúa sạch, bền vững, đạt chuẩn hữu cơ; đến nay đã có 1.230 ha sản xuất đạt chuẩn và liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Cũng theo đại diện tỉnh Kiên Giang thông tin, trong giai đoạn 2010 - 2020, diện tích tôm - lúa của tỉnh Kiên Giang tăng bình quân 6,67%/năm, bình quân lợi nhuận hơn 110 triệu/ha/năm. Trên cơ sở các mô hình sản xuất tôm - lúa hiệu quả, tỉnh tiếp tục phát triển mô hình tôm - lúa sạch với các giống lúa thơm như ST 24, ST5… chiếm hơn 80% diện tích canh tác tôm - lúa.
Đánh giá về tác động của mô hình tôm – lúa đối với sự phát triển ngành nông nghiệp địa phương, ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho rằng: Để mô hình tôm - lúa tiếp tục được phát triển hiệu quả và bền vững, vấn đề môi trường, xử lý môi trường phải đảm bảo cho môi trường sinh thái của cả vùng.
“Diễn đàn hôm nay rất quan trọng và đúng lúc, các địa phương, trong đó có Kiên Giang và người dân kỳ vọng nhận được nhiều bài học kinh nghiệm, giải pháp quan trọng trong quản lý, cải tạo môi trường vì môi trường là điều kiện tiên quyết quyết định năng suất, chất lượng con tôm, hạt lúa… duy trì được tính bền vững của mô hình”, ông Lê Quốc Anh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù mô hình tôm – lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vẫn còn nhiều bất cập khó khăn về tổ chức sản xuất, kỹ thuật… vì vậy để tiếp tục tìm giải pháp khẳng định giá trị của mô hình này, tạo điều kiện để mô hình phát triển bền vững, các đại biểu tham dự diễn đàn sẽ tập trung thảo luận 3 vấn đề chính là giống tôm, giống lúa thích ứng cao cho vùng tôm – lúa; hai là tổ chức lại sản xuất, không thể sản xuất theo từng hộ nhỏ lẻ mà tổ chức sản xuất theo mô hình HTX. Ba là vấn đề môi trường nước cho tôm nuôi trong vùng tôm lúa này như thế nào để tránh dịch bệnh. Đây là vấn đề nan giải nhiều năm nay mà chưa có giải pháp hữu hiệu.
"Sau diễn đàn này, các đơn vị của Bộ có được những ý kiến tham luận để có những giải pháp để tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo trong thời gian tới sẵn sàng về cơ chế chính sách, về kỹ thuật để hỗ trợ cho các mô hình này. Hai là các địa phương qua hội thảo này có thêm kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, kể cả quy hoạch vùng nuôi, đảm bảo nguồn nước cung, nước tiêu tránh dịch bệnh, các doanh nghệp cũng có nhiều bài toán để tính toán cho vùng này", ông Trần Thanh Nam cho biết.
Thư Anh