Thứ năm, 25/04/2024 09:23 (GMT+7)
Thứ tư, 15/09/2021 16:34 (GMT+7)

Minh bạch giá cước vận tải đường biển, tránh nâng khống giá

Theo dõi KTMT trên

Trong bối cảnh giá vận tải container tăng phi mã, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ công khai giá cước nhằm minh bạch giá cước, tránh tự ý nâng khống giá, gây bất lợi cho thị trường xuất khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các Cảng vụ quản lý hoạt động tàu container yêu cầu các hãng tàu vận tải container cung cấp và cập nhật thông tin giá cước, phụ thu giá vận tải container quốc tế và nội địa bằng đường biển trên các tuyến vận tải container xuất phát từ khu vực cảng biển do cảng vụ quản lý.

Đồng thời, đăng tải bảng thông tin giá cước công khai trên trang thông tin điện tử của cảng vụ hàng hải, gửi đường dẫn đăng tải bảng giá về Cục Hàng hải Việt Nam để thực hiện kết nối trực tiếp với trang thông tin điện tử của đơn vị này.

Động thái này của Cục Hàng hải Việt Nam nhằm minh bạch giá cước vận tải container bằng đường biển trong bối cảnh giá vận tải container tăng phi mã, đồng thời có phản ánh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu về tình trạng nâng giá cước vận chuyển khi “qua tay” các đại lý hàng hải (môi giới giữa hãng tàu và chủ hàng) gây bất lợi cho thị trường xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam ra thị trường nước ngoài.

Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, nếu trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hàng xuất từ cảng biển Việt Nam qua cảng Long Beach (Mỹ) giá cước chỉ 1.800 USD/container thì đến nay, giá cước cùng chặng đã tăng đến 4-5 lần.

Với tuyến dịch vụ từ cảng Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ, nếu thời điểm tháng 5/2021, cước vận tải mới khoảng 6,000 USD/container, thời điểm tháng 8/2021 tăng đến 9,000-15,000 (tùy từng tuyến).

Việc các hãng tàu ngoại tăng giá, theo đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là do thời gian gần đây, tình trạng ách tắc hàng hóa không chỉ diễn ra tại các cảng biển ở Mỹ và một phần châu Âu mà lan rộng ra cả Trung Quốc nên số lượng vỏ container ngày càng thiếu so với nhu cầu xuất hàng tại các quốc gia như Việt Nam. Nếu trước đây, thời gian quay vòng một container khoảng 60 ngày thì hiện đã tăng lên hơn 100 ngày do chính sách kiểm dịch tại các quốc gia. Tốc độ quay vòng của container chậm hơn khiến các hãng tàu tiếp tục tăng giá cước để bù đắp chi phí vận hành.

Hiện Việt Nam vẫn chưa có quy định buộc hãng tàu công khai các thông tin như: Khi đến Việt Nam, hãng tàu cung cấp được bao nhiêu container rỗng, số lượng chỗ trống để xếp container dành cho chủ hàng Việt Nam khi tàu vào cảng, số lượng chuyến định kỳ… khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể rơi vào thế bị động bất cứ lúc nào, như việc xuất khẩu hàng hóa đi châu Âu và Mỹ thời gian qua.

Trước những bất cập trên, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT bổ sung các quy định để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với các hãng tàu container nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như: Khi vào hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký tuyến vận tải, lịch trình, lượng hàng… nhằm tránh việc hãng tàu tự ý bỏ tuyến, chậm chuyến hoặc hủy đặt chỗ gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Đồng thời, sửa đổi Nghị định số 142/2017/NĐ-CP, bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm các quy định về kê khai, niêm yết; tăng mức xử phạt đối với trường hợp doanh nghiệp không thực hiện quy định về kê khai, niêm yết giá và rà soát sửa đổi Nghị định số 146/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Cục Hàng hải cũng đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về giá cước và các loại phụ thu ngoài giá cước mà hãng tàu thu đối với chủ hàng xuất nhập khẩu tại cảng Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam và tuân thủ tập quán thương mại quốc tế.

Thủy Nguyễn

Bạn đang đọc bài viết Minh bạch giá cước vận tải đường biển, tránh nâng khống giá. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.

Tin mới

WB: Kinh tế Việt Nam đang hồi phục tăng trưởng
Theo Báo cáo cập nhật kinh tế 6 tháng Điểm lại mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố ngày 23/4, Kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng sẽ đạt 5,5% vào năm 2024 và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.