Miền Trung oằn mình trong mưa lũ
Trong 2 ngày qua, tại các tỉnh miền Trung xảy ra mưa lớn, mực nước tại các sông dâng cao gây ngập lụt nghiêm trọng khiến 11 người chết và mất tích.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống, thiên tai đã có 37 xã của các tỉnh, thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng bị ngập sâu, chia cắt, nhiều nơi ngập 0,5-1m; 11 người chết và mất tích. Nước lũ dâng cao khiến người dân phải dùng ghe để di chuyển.
Cụ thể, có 4 người chết ở Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Hiện vẫn có 7 người mất tích, trong đó Quảng Trị 5 người, Thừa Thiên - Huế 1 người, Gia Lai 1 người.
Ngoài ra, sự cố tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực Cửa Việt (Quảng Trị), trên tàu có 5 người, hiện 3 người đã được tàu Vietship 01 cứu vớt an toàn, còn 2 người hiện đang trôi dạt trên biển.
Ban chỉ đạo Trung ương cho biết, đến chiều 8/10, lũ trên sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và hạ lưu sông Thu Bồn (Quảng Nam) đang dao động ở mức đỉnh. Lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đang lên chậm, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi đang xuống. Dự báo, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế tiếp tục lên, các sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi tiếp tục xuống.
Đến cuối chiều 8/10, các địa phương đã tổ chức di dời, sơ tán 3.250 hộ với gần 11.000 người tại khu vực ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, trong đó, lớn nhất là ở Quảng Trị gần 10.150 người, Thừa Thiên - Huế gần 800 người, Đà Nẵng hơn 70 người.
Hiện các địa phương đang tích cực tổ chức tìm kiếm người mất tích, di dời, sơ tán dân ra khỏi khu vực ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Cử các đoàn công tác xuống hiện trường chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Trong ngày 8/10, mưa tiếp tục đổ xuống Quảng Nam, nước từ thượng nguồn đổ về khiến một số khu vực thấp trũng ở huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn, TP.Hội An ngập cục bộ. Hội An đã chuẩn bị phương án sơ tán các hộ dân ở vùng trũng thấp; đồng thời nghiêm cấm ghe thuyền, ca nô (trừ trường hợp làm nhiệm vụ) đi lại trên sông.
Mưa lũ cũng gây sạt lở đường sá ở các huyện vùng núi của Quảng Nam như Nam Trà My, Tây Giang. Riêng ở Tây Giang, có 7 con bò của 1 hộ dân bị sét đánh chết. Trong khi đó, 1 người đàn ông ở huyện Đại Lộc bị điện giật chết khi đang dọn đồ tránh lũ.
Tại tỉnh Quảng Trị cũng ngập lụt khắp nơi. Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, xác nhận đến chiều 8/10, tại tỉnh này có 7 người bị nước cuốn mất tích (4 người ở huyện miền núi Hướng Hóa) và 1 người chết do mưa lũ.
Mưa lũ cũng nhấn chìm nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Bình mà "rốn lũ" xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa là nặng nề nhất. Ở đó có hơn 100 nhà dân bị ngập sâu từ 1,2 đến 1,5 m. Đàn trâu, bò hơn 2.000 con đã được đưa lên vùng cao trong khi toàn bộ người dân ở đây đã chuẩn bị nhà phao, nhà bè để sống chung với lũ.
Tại Thừa Thiên - Huế, QL49B đoạn qua huyện Phong Điền bị ngập, chia cắt nhiều đoạn, sâu nhất 0,8 - 1m; nhiều tuyến Tỉnh lộ tại các huyện Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, Phú Lộc ngập sâu 0,2 - 0,5m; các thôn Tam Lanh xã Lâm Đớt và Thôn A Hưa, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới bị ngập nước, cô lập.
Tại Đà Nẵng, huyện Hòa Vang có 08/11 xã có thôn bị ngập lũ, chủ yếu ở các vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, từ ngày 9 - 10/10, các tỉnh từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 300mm; Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50 - 100mm, có nơi trên 100mm.
Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị tại các địa phương từ Quảng Bình - Quảng Nam vẫn tiếp tục diễn ra đến hết ngày 9/10, sau giảm dần. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất vùng núi từ Hà Tĩnh - Quảng Nam.
Nhật Hạ