Miền Bắc khả năng thiếu điện trong cao điểm nắng nóng của mùa hè năm nay
Miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng dẫn tới phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch. Do đó, hệ thống điện miền Bắc sẽ có thể thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 - 4.900 MW vào các tháng cao điểm.
Đợt nóng gay gắt đầu tháng 5 vừa qua mới chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc, nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện toàn quốc đã lên rất cao.
Đáng chú ý, trong ngày 6/5, công suất tiêu thụ toàn quốc đã ở mức hơn 43.300 MW, sản lượng tiêu thụ trong toàn quốc cũng đã lên tới hơn 895 triệu kWh. Dự báo trong các tháng tiếp theo, bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và nguy cơ thiếu điện hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi lượng nước về các hồ thủy điện cũng đang giảm.
Báo cáo đánh giá cập nhật của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nhu cầu phụ tải điện của hệ thống điện quốc gia cả năm 2023 dự kiến đạt 283,2 tỷ kWh, tăng trưởng 5,5% so với năm 2022, đạt 99,5% so với Kế hoạch năm 2023 được Bộ Công Thương phê duyệt.
Hiện nay, các hồ khu vực miền Bắc có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm chỉ bằng khoảng 70 - 90% so với trung bình nhiều năm. Tính đến ngày 24/4/2023, nhiều hồ thủy điện trên hệ thống đã về mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian còn lại của mùa khô 2023. Cụ thể, có 9 hồ đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 3.000 MW).
Bên cạnh đó, đã có 18 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20%; 18 hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định; 22/31 hồ chứa vi phạm mực nước giới hạn trong 2 tuần liên tiếp. Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm, làm cho nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp, khiến lưu lượng nước về hồ tiếp tục có xu hướng giảm. Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió cũng được dự báo có thể thấp hơn năm 2022. Năm nay, dự báo nền nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Do đó, nhu cầu sử dụng điện sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định, trong các tháng 5, 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch.
Trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra thì hệ thống điện miền Bắc sẽ có thể thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 - 4.900 MW vào các tháng cao điểm nắng nóng.
Bộ Công Thương chỉ đạo tiết kiệm điện
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định trong mùa khô năm 2023 nói riêng và cả năm 2023 nói chung, Bộ Công Thương đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó yêu cầu EVN, bám sát và cập nhật liên tục diễn biến thực tế của phụ tải điện, các điều kiện vận hành hệ thống điện và thị trường điện, đảm bảo vận hành và cung cấp điện an toàn, ổn định và tin cậy cho hệ thống điện quốc gia trong năm 2023.
Trường hợp có những ảnh hưởng bất thường đến việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương để xem xét, chỉ đạo; phối hợp với khách hàng sử dụng điện, đặc biệt là các khách hàng sử dụng điện lớn chuẩn bị kịch bản, kế hoạch thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện trong trường hợp cần thiết nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện.
Chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia lập kế hoạch huy động tối ưu các nguồn điện, đặc biệt là các nguồn thủy điện (kể cả các thủy điện nhỏ) trong các giờ cao điểm để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện.
Đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định; vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam; bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước thủy điện phục vụ nhu cầu nước hạ du cũng như mục tiêu phát điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc.
Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị điện lực sắp xếp kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa hợp lý, rút ngắn thời gian bảo dưỡng, tránh sửa chữa các nguồn-lưới điện trong thời gian cao điểm nắng nóng.
Trong tháng 4/2023, Bộ cũng đã có nhiều văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc đảm bảo cung cấp than và khí cho sản xuất điện, đạm – các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.
Đối với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Công Thương yêu cầu phối hợp với các đơn vị Điện lực tại địa phương để tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 và tổ chức, giám sát việc thực hiện tiết kiệm điện của khách hàng sử dụng điện tại địa phương.
Đồng thời, tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh để xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị Điện lực tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2018. Ngoài ra, giám sát Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương trong việc thực hiện cung cấp điện, giải quyết các khiếu nại của khách hàng.
Lan Anh