Thứ bảy, 23/11/2024 01:49 (GMT+7)
Thứ bảy, 10/09/2022 14:00 (GMT+7)

Lưu ý người dân tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Đồng Nai mới ban hành Quyết định số 35/2022/QĐ-UBND về quy định tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh với nhiều điểm mới và chặt chẽ hơn.

Diện tích đất sau khi tách rộng tối thiểu 60 - 80m2

Theo quyết định này, điều kiện cụ thể để tách thửa đối với đất ở: Thửa đất sau tách thửa phải có một cạnh tiếp giáp với đường giao thông công cộng (trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định này), chiều rộng cạnh thửa đất tiếp giáp với đường giao thông cụ thể: Cạnh thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 5 mét đối với đường giao thông công cộng có lộ giới bằng hoặc lớn hơn 19 mét; Cạnh thửa đất phải lớn hơn hoặc bằng 4 mét đối với đường giao thông công cộng có lộ giới nhỏ hơn 19 mét hoặc chưa có quy định lộ giới giao thông.

Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất ở tại đô thị (kể cả xã Long Hưng, TP Biên Hòa) là 60m2 và diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất ở tại nông thôn là 80m2. Diện tích tối thiểu thửa đất quy định tại điểm này không tính diện tích hành lang bảo vệ các công trình.

Trường hợp thửa đất thuộc khu vực đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng thì việc tách thửa phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng.

Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở: Thửa đất sau tách thửa phải đảm bảo quy định giống như đất ở và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Trường hợp thửa đất được cơ quan có thẩm quyền giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì việc tách thửa phải được sự chấp thuận của cơ quan chấp thuận đầu tư.

Lưu ý người dân tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - Ảnh 1
Đồng Nai tăng diện tích tối thiểu được tách thửa của khu vực đất nông nghiệp khu vực nông thôn từ 1.000 m2 lên 2.000 m2.

Đối với đất nông nghiệp: Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất nông nghiệp tại đô thị (kể cả xã Long Hưng và TP. Biên Hòa) là 500m2. Diện tích tối thiểu của thửa đất sau tách thửa đối với đất nông nghiệp tại nông thôn là 2000m2; Thửa đất nông nghiệp sau tách thửa phải tiếp giáp với đường giao thông công cộng hoặc đảm bảo dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 3 Điều 254 Bộ Luật Dân sự và phải thực hiện đăng ký xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 95, Điều 171 Luật Đất đai, lối đi này không phải là đường giao thông công cộng.

Đối với việc hợp thửa đất phải đáp ứng các điều kiện:  Thửa đất hợp thửa phải có cùng loại đất được ghi trên giấy chứng nhận; Trường hợp tách một phần diện tích của thửa đất để hợp với thửa đất liền kề hoặc hợp một phần diện tích tách thửa của các thửa đất liền kề thì phần diện tích tối thiểu của thửa đất mới hình thành và diện tích còn lại của từng thửa đất vừa tách phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo từng loại đất quy định về điều kiện tách thửa đất. Việc tách thửa đất phải thực hiện đồng thời với hợp thửa; Trường hợp được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án thì được hợp thửa đất phù hợp với dự án và quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Trường hợp thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước quản lý được cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho người sử dụng đất liền kề thì phải thực hiện thủ tục hợp thửa đất trước khi cấp giấy chứng nhận; Và không cho phép hợp thửa đối với đất ở tạ các khu dân cư theo dự án hoặc đã được hình thành khu dân cư theo quy hoạch chi tiết xây dựng, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

UBND huyện phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu để xảy ra sai phạm

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Đồng Nai cũng quy định về việc tách thửa đối với trường hợp thửa đất có nhiều loại đất và tách thửa đối với trường hợp cá biệt (thuộc trường hợp hộ nghèo hoặc trong hộ có người bị bệnh hiểm nghèo) và các trường hợp cá biệt khác thì Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét cho phép tách thửa từng trường hợp cụ thể và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cho phép tách thửa.

Theo quyết định này, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, cho phép tách thửa, hợp thửa đối với người sử dụng đất là tổ chức. Còn trường hợp là hộ gia đình, cá nhân, việc xem xét, cho phép tách thửa, hợp thửa của Chủ tịch UBND cấp huyện. Đối với trường hợp cho phép tách thửa hợp thửa đối với trường hợp cá biệt thì Chủ tịch UBND cấp huyện không được ủy quyền cho Phó Chủ tịch.

Đồng thời, Sở TN&MT có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, cho phép tách thửa, hợp thửa đất đối với người sử dụng đất là tổ chức và giúp UBND tỉnh theo dõi việc triển khai thực hiện; chủ trì tổng hợp, đề xuất xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Phòng TN&MT được giao là cơ quan chủ trì, tham mưu Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, cho phép tách, hợp thửa đất đối với người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, UBND cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, xử lý các trường hợp tách, hợp thửa đất không đúng quy định; Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng tự ý làm đường, hạ tầng kỹ thuật, chia tách nhỏ thửa đất để chuyển nhượng, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình, nhà ở vi phạm pháp luật trên đất thuộc địa bàn quản lý.

Xem xét, quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích mà người sử dụng đất tự nguyện trả lại theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Đất đai năm 2013. Đối với mục đích trả lại đất để làm đường giao thông thì phần diện tích đất này phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt và phải kết nối với đường giao thông công cộng hiện hữu.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Lưu ý người dân tách, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới