Thứ sáu, 29/03/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ sáu, 18/09/2020 08:57 (GMT+7)

Lưu trữ năng lượng: Yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040

Theo dõi KTMT trên

Thông tin được nêu ra tại diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 do Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/9.

Cần điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam năm 2020. Diễn đàn được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lưu trữ năng lượng: Yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040 - Ảnh 1
Toàn cảnh diễn đàn.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng đánh giá: Trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu đáng ghi nhận như: Cung cấp năng lượng, đặc biệt cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia vùng lãnh thổ.

Lưu trữ năng lượng: Yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040 - Ảnh 2
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại diễn đàn.

Hiện nay, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất khoảng 54.000 MW điện, bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện trong năm 2020 cần khoảng 60.000 MW công suất nguồn, đến năm 20300 cần 130.000 MW công suất nguồn điện. Đây là thách thức rất lớn đặt ra cho ngành năng lượng Việt Nam trong bối cảnh nhiều dự án đang chậm tiến độ. Việc thu xếp nguồn vốn thực hiện các dự án đầu tư mới về nguồn và lưới điện còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Lê Hải Đăng, trưởng ban Chiến lược phát triển Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc chậm tiến độ các nguồn điện truyền thống công suất lớn khiến dự phòng hệ thống suy giảm, ảnh hưởng an ninh năng lượng quốc gia trong trường hợp đột biến tăng trưởng phụ tải.

Hơn nữa, ông Đăng cũng cho rằng an ninh năng lượng hiện nay đang phụ thuộc lớn nhất là nguồn nhiệt điện than, do đây là nguồn điện ổn định và chi phí giá thành phù hợp. Thực tế, mặc dù hệ thống điện mặt trời đưa vào vận hành đạt trên 5.000 MW nhưng sản lượng huy động được lại chỉ tương đương nhà máy 1.200 MW.

"Nhiệt điện than huy động với biểu đồ tương đối bằng phẳng theo sự chủ quan của hệ thống. Điện mặt trời thì huy động từ 6h sáng và đạt đỉnh vào 12h trưa, nên mức độ tăng giảm mạnh, thông thường chỉ đạt 1.000 - 15000 MW. Do đó, để tăng dần tỉ lệ năng lượng tái tạo vào hệ thống phải có giải pháp kỹ thuật" - ông Đăng cho hay.

Chưa kể, điện mặt trời phát triển nhanh và cục bộ tại một số địa phương, gây khó khăn trong truyền tải công suất. Vì vậy để đảm bảo giải tỏa công suất, vận hành hệ thống ổn định, EVN đã phải tập trung gấp các công trình lưới điện ở Ninh Thuận, Bình Thuận; thuê tư vấn nghiên cứu giải pháp kỹ thuật khi tăng cường nguồn năng lượng tái táo trong hệ thống điện; tự động điều chỉnh công suất để khai thác tối đa theo khả năng tải của đường dây, mua thêm dịch vụ dự báo…

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, theo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, đến năm 2030, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm mức tiêu hao năng lượng trung bình trong các ngành công nghiệp so với giai đoạn 2015-2018, cụ thể, ngành thép từ 5-16,5%; hóa chất trên 10%; xi măng gần 11%...

Đối với các khu, cụm công nghiệp, sẽ có từ 70-90% được tiếp cận và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, so với mức trung bình của thế giới, tiêu thụ năng lượng Việt Nam chỉ bằng khoảng 30-35%, tiêu thụ điện chỉ bằng khoảng 60%. Tuy nhiên, về mặt chiến lược, vấn đề sử dụng năng lượng bền vững và hiệu quả mới là vấn đề cần được quan tâm đặc biệt.

Từ thực tế sử dụng năng lượng tại Việt Nam PG.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh:“Cần có cách tiếp cận mới về sử dụng năng lượng. Phải điều chỉnh chiến lược phát triển năng lượng (điện) cả từ phía cầu sử dụng, bằng giá bán, tiết kiệm điện...”.

Công nghệ nào sẽ tác động lớn nhất đến sản xuất năng lượng?

Chia sẻ tại diễn đàn, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng cho rằng, ngoài việc hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thì các giải pháp về công nghệ mới cũng cần được áp dụng để nâng cao hiệu suất tiết kiệm năng lượng vốn đang được áp dụng trong các công nghệ cũ.

Ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa cho rằng đã đến lúc phải nhìn nhận lại việc sử dụng năng lượng để nâng cao hiệu quả của nền kinh tế nói chung.

Dẫn ra ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Quân cho biết hiện nay khoảng 30% sản lượng điện dành cho chiếu sáng (dân dụng, công cộng…), chỉ cần tiết kiệm một nửa số điện hiện dùng bằng công nghệ đèn led sẽ tiết kiệm tương đương việc phải xây dựng một nhà máy điện hạt nhân công suất khoảng 4.000 MW.

Ông Trần Anh Tuấn - Thư ký Hiệp hội Năng lượng thế giới World Energy Council cho rằng, phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, giá rẻ, ổn định và bảo vệ môi trường.

Theo khảo sát, hơn 100 nước trên thế giới đã chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất đến việc sử dụng năng lượng vào năm 2040. Biện pháp này sẽ tiết kiệm điện trong sản xuất và trong sinh hoạt; đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện…

“Công nghệ nào sẽ có tác động lớn nhất đến cách sản xuất năng lượng vào năm 2040? Trước tiên là các thiết bị lưu trữ năng lượng, các chuyên gia giải thích rằng việc lưu trữ năng lượng sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040” – ông Trần Anh Tuấn chia sẻ.

Lê Phương

Bạn đang đọc bài viết Lưu trữ năng lượng: Yếu tố thay đổi cuộc chơi cho ngành năng lượng vào năm 2040. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.

Tin mới

Khang Điền nói gì về việc lợi nhuận kinh doanh giảm?
Theo báo cáo tài chính, tình hình kinh doanh năm 2023 của Công ty Cổ phần Đầu tư và nhà Khang Điền ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong năm chỉ đạt 730 tỷ giảm hơn 42,7% so với năm trước và hàng tồn kho của đơn vị cũng tăng hơn 50% so với đầu năm.