[LONGFORM] Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng - “Đòn bẩy” phục hồi kinh tế giữa đại dịch
Sau khi được Quốc hội chấp thuận, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với các giải pháp tài chính được nêu ra có quy mô 350.000 tỷ đồng. Đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.
Năm 2021 là một năm đầy vất vả đối với nền kinh tế Việt Nam khi mức độ tăng trưởng chỉ đạt 2,58%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% đề ra ban đầu. Nhưng đó cũng là một nỗ lực rất lớn và là thành quả đáng khích lệ trong một năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong giai đoạn đặc biệt khó khăn này, để đáp ứng yêu cầu và nhu cầu phục hồi kinh tế - xã hội sau những tác động nghiêm trọng kéo dài của đại dịch Covid-19, Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội, đặc biệt về gói kích thích kinh tế gần 350.000 tỷ đồng đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua. Theo đó, sẽ có khoảng 350.000 tỷ đồng được sử dụng cho chương trình phục hồi.
Gói hỗ trợ này vừa nhằm hồi phục trước mắt sau đại dịch Covid-19, vừa có tầm nhìn trung hạn là thúc đẩy tăng trưởng GDP 5 năm tới bình quân 6,5-7%/năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép và các cân đối lớn vĩ mô được đảm bảo.
Theo đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm chính sách hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác.
Chính sách tài khoá gồm chính sách miễn, giảm thuế: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chính sách đầu tư phát triển: Tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong hai năm 2022 và 2023. Trong đó có các khoản chi cho y tế; an sinh xã hội, lao động, việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.
Chính sách tiền tệ, các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5%-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.
Tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phù hợp, đồng thời bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Sử dụng tối đa 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cần thiết.
Tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động.
Chia sẻ tại Diễn đàn kịch bản kinh tế thường niên Việt Nam 2022, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết: “Năm 2022, chúng tôi quan tâm nhiều nhất đến gói hỗ trợ lãi suất, cho vay vốn giá rẻ thực sự là nguồn quý cho doanh nghiệp. Thứ nữa là thuế Giá trị gia tăng, đây là những chính sách rất sát sườn với doanh nghiệp. Nếu có thể gói hỗ trợ nên theo hỗ trợ theo đặc thù của từng doanh nghiệp, hoặc từng lĩnh vực ngành nghề, bởi đây là yếu tố quyết định rất nhiều đến triển khai hiệu quả của chính sách, dù việc này là “không dễ dàng”, ông Việt nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch Phát triển Vietnam Airlines, gói hỗ trợ trên với doanh nghiệp thì kỳ vọng lớn nhất với Chính phủ là tạo ra thị trường và tạo điều kiện cho nền kinh tế. “Việc hỗ trợ cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho tất cả các ngành nghề khác chính là tạo điều kiện cho chúng tôi”, ông Trung cho biết.
“Ngôi sao hi vọng” khác trong gói hỗ trợ này theo ông Trung lại liên quan tới hạ tầng, bởi đối với ngành hàng không vấn đề này còn quan trọng hơn. “Kết nối giữa các tỉnh vài trăm km có thể mất vài năm để xây một con đường, nhưng tạo ra cầu nối giữa các tỉnh hoặc Việt Nam với quốc tế thì việc mở một đường bay thời gian rất ngắn. Do đó, việc đầu tư mở lại hoạt động giao thương hạ tầng hàng không nên được ưu tiên thời gian tới và sau cuộc khủng hoảng, nên mở lại hàng không để tạo điều kiện cho các ngành khác phát triển cùng. Chúng tôi đánh giá gói hỗ trợ này dù không quá lớn với các doanh nghiệp hàng không nhưng có tác động gián tiếp là vô cùng quan trọng”, ông Trung phân tích thêm.
Đứng ở góc độ cơ quan Nhà nước, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho rằng, trong lịch sử 61 năm, ngành du lịch Việt Nam dù trải qua nhiều đợt khủng hoảng do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế nhưng chưa bao giờ thiệt hại nặng nề như do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, gói hỗ trợ kinh tế chính là cứu thế và hồi sinh" ngành du lịch lần thứ hai.
Để làm được điều này, theo ông Phạm Văn Thuỷ, trước hết là tập trung đẩy mạnh hoạt động kích cầu, phục hồi du lịch nội địa toàn quốc, trong đó xác định phát triển du lịch với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của ngành, thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, du lịch nội địa là nội lực, nền tảng căn bản để phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, từng bước thí điểm mở cửa thị trường quốc tế. Trong đó, có đề xuất quan trọng là cần coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nắm bắt tốt các cơ hội, lấy lại đà tăng trưởng cho ngành.
Từ đó, tiếp tục hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động ngành du lịch; có các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...).
Để gói hỗ trợ phát huy được hiệu quả và tạo nên thành công, theo PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phải tiếp tục rà soát kỹ hơn những đối tượng được thụ hưởng. Bên cạnh đó phải có một quy trình rõ ràng. Một số cấu phần phải phân định rõ hơn, đúng bản chất hơn. Cũng cần phải đánh giá kỹ lưỡng tác động với đà tăng trưởng GDP trong hai năm 2022-2023.
“Chúng ta phải lưu ý khi tăng trưởng tín dụng vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2009, chúng ta để cho tăng trưởng tín dụng vọt lên 37% và cuối cùng dẫn đến lạm phát. Bên cạnh đó phải tránh doanh nghiệp lợi dụng chính sách, vay rẻ chỗ này và gửi tiền chỗ khác hay đổ tiền vào những lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản”, bà Yến nhấn mạnh.
PGS.TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm, trong quá trình suy thoái và khủng hoảng kinh tế thì bất kỳ quốc gia nào cũng cần dùng gói chính sách để kích thích tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Nhưng quan trọng nhất là sử dụng như thế nào, phục vụ cho đối tượng nào, đó mới là cần thiết.
Nhiều ý kiến đặt ra là nên tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay tập trung vào doanh nghiệp lớn, lĩnh vực, vùng kinh tế đầu tàu vốn có tính chất lan tỏa, dẫn dắt, tạo việc làm.
“Theo tôi nên tập trung vào các đầu tàu kinh tế là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội…Với lĩnh vực kinh tế trọng điểm, tôi cho rằng nên tập trung vào du lịch, hàng không và vận tải. Bởi nếu các địa phương, ngành này phục hồi thì sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp, công ty vệ tinh, địa phương khác bật dậy, sống lại và giải quyết được nhiều việc làm cho lao động”, ông Long bày tỏ.
Ông Long nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp bị tác động, trong khi ngân sách có hạn, chúng ta phải biết lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm, đúng thời điểm, quyết liệt, đơn giản hóa thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân tiếp cận được. Chỉ có như vậy thì mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế mới thực hiện có hiệu quả".
Đồng tình với quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh phân tích: “Chúng ta nên tập trung vào một số địa phương. Ngoài ra, phải lưu ý đến những đối tượng có khả năng phục hồi, có tương lai trên thị trường. Vì nếu không mạnh, những người được cứu cũng rất dễ bị đào thải”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trọng Điều lại đồng tình với chính sách tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước và tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội với mục đích cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, cho vay ưu đãi sinh viên, người nghèo...
“Đây là gói rất tốt bởi vì sinh viên là lực lượng lao động tương lai và nếu họ gặp khó khăn sẽ để lại nhiều hệ lụy cho xã hội”, ông Điều nhìn nhận.
Bài viết: Hà Lan
Đồ họa: Hoàng Việt