Long An chung tay bảo vệ và sử dụng đất bền vững
Dựa trên kết quả điều tra và đánh giá ô nhiễm đất, UBND tỉnh đã đề ra bốn nhóm giải pháp nhằm bảo vệ và sử dụng đất một cách bền vững.
Vừa qua, UBND tỉnh Long An đã công khai kết quả dự án điều tra và đánh giá ô nhiễm đất trên toàn tỉnh. Kết quả từ 812 mẫu đất và 372 mẫu nước tại các khu vực chịu tác động của 9 nguồn ô nhiễm cho thấy, 31 mẫu đất trong số đó bị ô nhiễm chiếm 3,82% và 81 mẫu đất cận ô nhiễm chiếm 9,98%. Đối với nước, có 111 mẫu bị ô nhiễm chiếm 29,84% và 76 mẫu cận ô nhiễm chiếm 20,43%.
Kết quả tổng hợp đánh giá từ các nguồn ô nhiễm cho thấy hơn 42 ha đất ô nhiễm và 352 ha đất cận ô nhiễm tập trung tại các khu công nghiệp, hơn 40 ha đất ô nhiễm và 201 ha đất cận ô nhiễm nằm trong các cụm công nghiệp. Ngoài ra, ô nhiễm từ các nghĩa trang và nghĩa địa đã ảnh hưởng đến hơn 67 ha đất cùng với 133 ha đất khác bị cận ô nhiễm.
Ô nhiễm từ các bãi rác và cơ sở xử lý rác thải đã tác động mạnh mẽ đến môi trường với hơn 79 ha đất bị ô nhiễm và 33 ha đất cận ô nhiễm. Các cơ sở y tế do quy trình xử lý chất thải chưa đảm bảo cũng góp phần gây ô nhiễm cho hơn 30 ha đất và khiến 134 ha đất khác rơi vào tình trạng cận ô nhiễm.
Riêng các khu vực thâm canh, nơi nông dân sử dụng lượng lớn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đã làm cho hơn 239 ha đất bị ô nhiễm và 318 ha đất cận ô nhiễm. Tác động này không chỉ làm suy giảm chất lượng đất mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người. Đặc biệt, các vùng nuôi trồng thủy sản cũng không nằm ngoài vòng xoáy ô nhiễm với hơn 600 ha đất bị ô nhiễm và 582 ha đất cận ô nhiễm.
Theo đó, UBND tỉnh đã đưa ra bốn nhóm giải pháp nhằm bảo vệ và sử dụng đất bền vững. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường tuyên truyền và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường. Trước tiên, các ngành và địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho cộng đồng và doanh nghiệp. Việc này cần được kết hợp với các chương trình tập huấn, hướng dẫn cụ thể về cách bảo vệ tài nguyên đất trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời tuyên truyền về những tác hại khi sử dụng và sản xuất không đúng cách. Qua đó, nâng cao dần nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường đất.
Về giải pháp chính sách, UBND tỉnh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ đất trồng lúa và đảm bảo an ninh lương thực, đây là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước cũng như của UBND tỉnh. Không chỉ dừng lại ở việc thực thi các quy định của Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn, UBND tỉnh cùng HĐND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm khuyến khích người dân bảo vệ đất tốt hơn, đồng thời tổ chức khai hoang mở rộng diện tích đất trồng lúa. Những hoạt động này được thực hiện song song với việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất bảo vệ đất, từ đó đảm bảo tính bền vững trong canh tác.
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chú trọng hỗ trợ và hướng dẫn người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Việc chuyển đổi này không chỉ phù hợp với điều kiện thực tế mà còn đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường giúp nông dân tối ưu hóa giá trị đất canh tác. Qua đó, tỉnh không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp địa phương.
Trong quá trình thâm canh và tăng vụ, ngành Nông nghiệp cần khuyến khích nông dân sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cần đầu tư cải tạo, bồi bổ đất và ưu tiên dành quỹ đất cho phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, liên kết với công nghiệp chế biến. Ví dụ, vùng trọng điểm sản xuất lúa tại các huyện thuộc Đồng Tháp Mười, vùng trồng khoai mỡ ở huyện Tân Thạnh, vùng rau chuyên canh tại Cần Đước và Cần Giuộc, vùng trồng thanh long ở huyện Châu Thành và vùng trồng chanh tại Bến Lức, Đức Huệ.
Song song với đó, UBND tỉnh cùng các ngành liên quan sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch theo dõi, giám sát các khu vực đất bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ bị ô nhiễm. Điều này đi kèm với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời xây dựng khung pháp lý rõ ràng trong quản lý chất thải, bao gồm cả chất thải nông nghiệp.
Đặc biệt, UBND tỉnh sẽ xem xét xây dựng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ cụ thể nhằm khuyến khích nông dân bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp. Những chính sách này có thể bao gồm hỗ trợ trực tiếp dựa trên mức giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, giúp nông dân chuyển sang các phương pháp canh tác bền vững hơn.
Để bảo vệ nguồn nước, quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản cần dựa trên phân vùng sinh thái chặt chẽ. Đồng thời, cần đầu tư mạnh vào hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải, đặc biệt đối với các mô hình nuôi công nghiệp, thâm canh. Các giải pháp này nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh và tuân thủ các quy chuẩn môi trường hiện hành.
Về quản lý tài nguyên và môi trường, cần ưu tiên bảo vệ đất trồng lúa chất lượng cao bằng cách khoanh vùng, tưới tiêu hợp lý và bảo vệ tầng canh tác khi chuyển đổi cây trồng. Đồng thời, cần xây dựng các quy chế môi trường cụ thể cho từng ngành, từng khu vực và tăng cường giám sát việc thực hiện các quy định này tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Để quản lý chất lượng môi trường hiệu quả, cần xây dựng hệ thống quan trắc môi trường đồng bộ tại các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn. Hệ thống này sẽ giúp đánh giá chính xác tình trạng ô nhiễm, hỗ trợ quản lý tài nguyên đất hợp lý và giảm thiểu thoái hóa đất.
Các địa phương cần tập trung đầu tư vào hệ thống xử lý rác thải công nghiệp và sinh hoạt, đồng thời quy hoạch hệ thống xử lý chất thải rắn tập trung. Việc nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, kết hợp với xã hội hóa công tác này là vô cùng quan trọng để quản lý và khai thác đất hiệu quả, bền vững.
Các ngành chức năng cũng cần tập trung vào các giải pháp kỹ thuật cụ thể để khắc phục ô nhiễm kim loại nặng và các chất hữu cơ tại các khu vực bị ảnh hưởng.
An Hữu