Thứ sáu, 22/11/2024 17:39 (GMT+7)
Thứ tư, 07/07/2021 06:30 (GMT+7)

Long An: Cấp bách triển khai dự án phòng chống sạt lở

Theo dõi KTMT trên

Tình trạng sạt lở, sụp lún đất vẫn tiếp diễn với chiều hướng phức tạp, khó lường tại tỉnh Long An. Trước thực trạng đó đòi hỏi các ngành chức năng tỉnh Long An tập trung nguồn lực khắc phục các điểm sạt, đưa ra giải pháp lâu dài nhằm bảo đảm an toàn.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Long An, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị ghi nhận 8 vụ sạt lở tại các huyện Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An.  Trước đó, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xuất hiện 12 điểm sạt lở, với chiều dài hơn 1.000 m, chủ yếu ở các huyện: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Đức Huệ,...

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, sụp lún đất trong thời gian qua chủ yếu do tác động của dòng chảy, phương tiện thủy có trọng tải lớn lưu thông với mật độ dày, việc neo đậu tàu thuyền sai quy định và các công trình nhà ở.

Đặc biệt, là kho bãi vật liệu xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn trên các tuyến sông, kênh, rạch làm gia tăng tải trọng trên nền đất yếu.

Qua đó, có thể thấy nguyên nhân dẫn điến tình trạng sảt lở, sụt lún không chỉ do ảnh hưởng của thiên tai mà còn do nhiều yếu tố khách quan tác động trực tiếp đang âm thầm diễn ra.  

Long An: Cấp bách triển khai dự án phòng chống sạt lở - Ảnh 1
Một điểm sạt lở trên địa bàn tỉnh Long An vào năm 2021.

Trước tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp như hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh Long An đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương cắm biển báo khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, đồng thời vận động người dân di dời đến nơi ở khác nhằm hạn chế ảnh hưởng tài sản, tính mạng.

Đồng thời, trong năm 2021, tỉnh Long An tập trung triển khai, thực hiện các dự án cấp bách phòng, chống sạt lở như dự án kè Kênh Nước Mặn (phía bờ Đông) xã Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, chiều dài tuyến kè 1.937 m, tổng kinh phí trên 334 tỉ đồng; Dự án Kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, chiều dài toàn tuyến kè 1.000 m, tổng kinh phí gần 185 tỉ đồng;

Dự án Kè chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây, khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An, tổng kinh phí 178 tỉ đồng; Dự án Xử lý sạt lở bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ, xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ, tổng kinh phí 40 tỉ đồng và Dự án Kè kênh Bảo Định (đoạn từ cống Bảo Định đến đường cống Vành Đai), chiều dài 1.583 m, tổng kinh phí đầu tư hơn 242 tỉ đồng.

Ngoài các dự án này, hiện Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Long An kiến nghị Trung ương xem xét tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ tỉnh thực hiện 2 dự án xử lý sạt lở cấp bách, gồm: Dự án Xử lý Sạt lở khu vực ngã ba Xóm Câu (ngã ba sông Kênh Hàn - sông Giồng), ấp Mương Chài, xã Phước Lại tại đoạn cuối đê Bà Kiểu - Mương Chài, huyện Cần Giuộc với chiều dài 480 m, kinh phí đề xuất 50 tỉ đồng và dự án Công trình Kè phòng, chống xâm nhập mặn, triều cường, sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ cầu Tân An 2 đến cống Rạch Chanh), phường 6 và xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An với chiều dài 5.500 m, kinh phí đề xuất 300 tỉ đồng.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết: “Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở, sụp lún đất, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh phối hợp chính quyền địa phương thường xuyên vận động, hướng dẫn người dân và phương tiện không đi vào những khu vực đang xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để bảo đảm an toàn.

Qua đó, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ công trình thủy lợi và nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó thiên tai sạt lở, sụp lún đất”.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết Đồng bằng sông Cửu Long là do phù sa, cát sông Mekong miệt mài bồi đắp. Quá trình bồi đắp đó có lở có bồi nhưng bồi luôn nhiều hơn lở. 

Tuy nhiên, từ năm 1992 trở lại đây, sạt lở ngày càng gia tăng, bồi đắp ngày càng giảm. Nguyên nhân chính của việc sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long là sự mất cân bằng trên toàn hệ thống sông Mekong, tức là sự thiếu cát và phù sa.

Phân tích cụ thể hơn về thực trạng này, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho biết, điều này là do các đập thủy điện chặn cát và việc khai thác cát trên sông Mekong ở tất cả các quốc gia từ Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Phía Bộ TN&MT cũng từng cho rằng, tình trạng khai thác cát vượt quá khối lượng cho phép, khai thác không theo đúng quy hoạch đang diễn ra phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân nhiều xã ven sông. Lượng cát khai thác vượt quá lượng cát từ thượng nguồn chuyển về sẽ gây ra hiện tượng xói lòng sông hoặc lở bờ, hay cả hai hiện tượng xảy ra cùng lúc.

Duy Thật

Bạn đang đọc bài viết Long An: Cấp bách triển khai dự án phòng chống sạt lở. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới