Lợi nhuận ngành ngân hàng có thể đi ngang trong quý 3/2021
Có thể mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng không còn mạnh như quý 1, quý 2 nhưng không có nhiều lo ngại. Phần lớn ngân hàng được nhận định vẫn đi ngang về tăng trưởng.
Lãi suất cho vay đã giảm đáng kể, tuy nhiên tốc độ giảm lãi suất huy động cao hơn, giúp các nhà băng nới rộng biên lãi suất (NIM). Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, hiện nay nhiều ngân hàng đa dạng hoá nguồn thu từ dịch vụ, nhờ đó nâng cao tỷ trọng thu nhập.
Tín dụng tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm, đạt 6,44%. Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng thu nhập lãi thuần tăng mạnh, báo lãi lớn.
Sang quý 3/2021, tăng trưởng tín dụng chùng lại do cầu tín dụng thấp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đóng cửa để tập trung chống dịch. Tính đến hết tháng 8, tín dụng tăng 7,42%. Có thể mức tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng không còn mạnh như quý 1, quý 2, nhưng phần lớn ngân hàng được nhận định vẫn đi ngang về tăng trưởng.
Thông tin Chính phủ mở cửa kinh tế trở lại đã tiếp động lực cho các doanh nghiệp khôi phục sản suất kinh doanh. Khi đó, nhu cầu tín dụng sẽ tăng mạnh để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phục hồi. Ngân hàng sẽ có dư địa tăng trở lại và được hưởng lợi từ quá trình này.
Trên thực tế, khủng hoảng kinh tế hiện nay không giống với giai đoạn khủng hoảng 2011-2013 trước đây. Bởi giai đoạn trước là khủng hoảng về tài chính, khủng hoảng toàn cầu, nợ xấu lơn và hầu hết chưa được phân loại.
Trong khi hiện nay, các ngân hàng đã có kinh nghiệm xử lý từ giai đoạn khủng hoảng trước. Khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại nợ, giãn nợ theo Thông tư 01, hiện nay là Thông tư 14. Nhiều ngân hàng thậm chí còn giữ lãi vào phần trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao trên 100%, đảm bảo về quản trị rủi ro và chất lượng tài sản.
Việc cố gắng có kết quả kinh doanh khả quan nhất có thể để làm yên lòng cổ đông và khuyến khích họ tham gia bỏ vốn vào doanh nghiệp sẽ là động lực lớn để mùa báo cáo kết quả quý 3 bớt gam màu xám.
Thủy Nguyễn