Thứ sáu, 29/03/2024 20:02 (GMT+7)
Thứ năm, 17/02/2022 11:00 (GMT+7)

Lời khẩn cầu của 45.000 loài sinh vật biển

Theo dõi KTMT trên

45.000 loài sinh vật biển đang bị đe dọa do nhiều nguyên nhân mà trực tiếp là những hành động của con người. Điều đó đồng nghĩa với việc khuyến khích mọi người dân trên thế giới hành động ngay hôm nay để bảo vệ đại dương cũng là bảo vệ chính chúng ta.

Một nhóm các chuyên gia thuộc Đại học Queensland (UQ) của Australia mới đây đã hoàn tất danh sách hơn 45.000 loài sinh vật biển đang bị đe dọa, cho thấy mức độ tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu và các nhân tố khác đối với các sinh vật biển.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Hiệp hội sinh thái học Mỹ (ESA) và công bố ngày 16/2, trong đó lập ra một khuôn khổ xác định địa điểm và cách thức cần phải tập trung các nỗ lực bảo tồn. 

Tiến sỹ Nathale Butt từ Khoa Khoa học môi trường và Trái Đất thuộc UQ nêu rõ nghiên cứu đã phân cấp các mối đe dọa đối với các loài sinh vật biển khác nhau. 

Lời khẩn cầu của 45.000 loài sinh vật biển - Ảnh 1
San hô và những động vật không xương sống bị ảnh hưởng nặng nề. (Ảnh minh họa)

Theo đó, san hô và các sinh vật không xương sống khác gắn với san hô thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những điều kiện nước như độ acid và độ muối, với mức độ nguy cơ từ 0,4 đến 0,5 trên thang đánh giá từ 0 đến 1.

Tiến sỹ Butt cho biết nhiệt độ nước đang tăng có liên quan đến việc độ acid của đại dương tăng lên, tạo môi trường không thuận lợi cho quá trình hình thành lớp vỏ của một số động vật thân mềm hoặc giáp xác.

Trong khi đó các động vật lớn hơn có độ nhạy cảm lớn hơn với tác động trực tiếp như hủy hoại môi trường và hoạt động đánh bắt cá. Cá heo, rùa, cá mập và chim biển đều có độ nhạy cảm từ 0,5 đến 0,6 trước hoạt động đánh bắt cá.
Nhìn chung, ô nhiễm do các chất vô cơ và nhiệt độ nước tác động đến nhiều loài nhất, lần lượt ảnh hưởng tới 31% và 27% trong tổng số 45.000 loài.

Nghiên cứu được đánh giá là đã cung cấp những hiểu biết “có một không hai” về lĩnh vực bảo tồn đại dương, thông qua việc phân loại các loài và nguy cơ đối với từng loài, xét theo các đặc điểm sinh học chung và các tác nhân môi trường. 

Theo Phó Giáo sư Carissa Klein, một thành viên nhóm nghiên cứu, các nhà bảo tồn có thể sử dụng danh sách này để xác định ưu tiên nguồn lực bảo tồn và xác định cách thức quản lý và địa điểm tốt nhất để bảo vệ các loài, nhóm cụ thể.

Nhóm nghiên cứu hy vọng dự án này sẽ đóng vai trò cơ sở dữ liệu lõi và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Lời khẩn cầu của 45.000 loài sinh vật biển - Ảnh 2
Đánh bắt cá quá mức gây ảnh hưởng xấu đến sinh vật biển. (Ảnh minh họa)

Nhiều hoạt động của con người ảnh hưởng xấu đến sinh vật biển. Ô nhiễm không nhất định phải là thứ hữu hình. Âm thanh tạo ra từ tàu thuyền, thiết bị siêu âm, giàn khoan dầu có thể lan truyền xa tới hàng cây số. Chúng gây rối loạn cho hoạt động di cư, giao tiếp, săn mồi, và sinh sản của nhiều loài động vật biển. Những vụ tử vong cùng một lúc của hàng trăm cá heo hay cá voi được quy cho ảnh hưởng của việc ô nhiễm tiếng ồn cực hạn, và nhiều loài trong số chúng đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.

Ngoài ra, hóa chất tồn dư từ hoạt động nông nghiệp sẽ ngấm vào suối, sông, mạch nước ngầm… rồi trôi ra biển. Sinh vật biển ăn phải, thế là chết hàng loạt. Đặc biệt hơn lượng phân hóa học hiện diện trong nước làm thay đổi thành phần dinh dưỡng, dẫn đến sự bùng nổ tăng trưởng một số loài tảo – chính là hiện tượng “thủy triều đỏ” hay còn gọi là hiện tượng “tảo nở hoa”. Những tiếng ồn cực lớn tạo ra khi thăm dò khí đốt và dầu mỏ có sức tàn phá ghê gớm nhất, vì chúng gây nhiễu loạn sóng âm của sinh vật biển, khiến chúng mất khả năng tìm thức ăn, stress, thậm chí “lạc lối” trôi vào bờ.

Do sự lỏng lẻo trong luật pháp, tàu du lịch trên khắp thế giới được hoạt động mà gần như không có quy định về bảo vệ môi trường, và kết quả là gây nhiều thiệt hại to lớn cho đời sống của các loài thủy sinh nhạy cảm. Theo quy định quốc tế hiện hành, các tàu du lịch được phép đổ thẳng nước thải chưa qua xử lý ở khu vực nước cách bờ 3 dặm trở lên (tương đương 4,8 km). Tuy nhiên khi chất thải này đổ ra biển sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều các sinh vật khác.

Nguyễn Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Lời khẩn cầu của 45.000 loài sinh vật biển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

GDP quý I/2024 tăng 5,66%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023.