Thứ sáu, 22/11/2024 22:41 (GMT+7)
Thứ bảy, 24/10/2020 10:54 (GMT+7)

Lời cảnh báo từ biến đổi khí hậu

Theo dõi KTMT trên

Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đang phải đối mặt với những thảm họa thiên nhiên ngày càng khốc liệt như các đợt lũ lụt, cháy rừng… nghiêm trọng xảy ra khắp nơi.

Những con số đáng báo động

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, từ năm 2000 tới năm 2019, thế giới đã ghi nhận 7.348 thảm họa thiên nhiên lớn khiến hơn 1,2 triệu người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 4,2 tỉ người. Báo cáo cũng cho biết các thảm họa thiên nhiên trong vòng 20 năm qua đã gây thiệt hại kinh tế lên tới gần 3.000 tỉ USD.

Bão và lũ lụt chiếm tới 72% các thảm họa thiên nhiên lớn và số lượng các trận lũ lớn tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua.

Năm 2020 chưa đi qua, nhưng thế giới đã chứng kiến nhiều thảm họa từ biến đổi khí hậu, hàng loạt thống kê đã được chỉ ra.

Mặc dù thế giới đã và đang phải đối mặt với đại dịch COVID-19, song cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu chưa bao giờ lắng xuống. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, phát biểu tại phiên thảo luận bàn tròn cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 tại New York (Mỹ) vào tháng 9 vừa qua đã cảnh báo, thế giới đang nóng lên ở mức báo động và khí thải nhà kính đang khiến thế giới đối mặt với ngày càng nhiều thảm họa từ cháy rừng, lụt lội, bão lũ đến mất an ninh lương thực và suy thoái kinh tế.

Lời cảnh báo từ biến đổi khí hậu - Ảnh 1
Cháy rừng ngày càng nghiêm trọng ở California. (Ảnh: Minh họa)

Theo báo báo của Liên hợp quốc công bố tháng 9/2020, đại dịch COVID-19 hiện nay không hề khiến cuộc khủng hoảng khí hậu tạm ngừng, mà trái lại, mức khí thải nhà kính đã nhanh chóng cao trở lại như trước khi đại dịch xảy ra. Thậm chí, đại dịch COVID-19 còn là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Bởi vậy, vấn đề cấp thiết toàn cầu hiện nay là cố gắng phục hồi bền vững sau đại dịch COVID-19 và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Báo cáo của Liên hợp quốc còn cho thấy nồng độ khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã tăng lên mức cao kỷ lục mới trong năm 2020, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan càng trở nên trầm trọng, trong đó phải kể đến các vụ cháy rừng, bão lớn, khô hạn và lũ lụt chưa từng có. Tác động của biến đổi khí hậu đã đẩy hàng trăm triệu người tới nguy cơ rơi vào cảnh ngập lụt. Ước tính, số người dân ở những vùng có thể bị ngập úng tính tới năm 2050 cũng tăng lên tối đa 3,2 tỉ người, cao hơn nhiều so với mức 1,9 tỉ người được đưa ra trước đó.

Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của châu Âu hôm 7/10 cho biết nhiệt độ trong tháng 9/2020 cao hơn 0,05 độ C so với tháng 9/2019 và cao hơn 0,08 độ C so với tháng 9/2016. Đây là hai tháng 9 được xem là nóng nhất và nhì từng được ghi nhận.

Cơ quan trên nhận định nhiệt độ toàn cầu tính từ đầu năm đến giờ chỉ chênh lệch đôi chút so với cùng kỳ năm 2016, năm nóng nhất từng được ghi nhận. Vùng Siberia ở Bắc cực và Đông Nam châu Âu đặc biệt cảm nhận rõ tác động của tình trạng nóng lên do biến đổi khí hậu. Tại bang California - Mỹ, nhiệt độ ban ngày ở hạt Los Angeles có lúc lên đến 49 độ C trong lúc 5/6 trận cháy rừng lớn nhất lịch sử kéo dài đến cuối tháng 9.

Châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda hôm 7/10 đánh giá biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt. Phát biểu trong cuộc họp trực tuyến của Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh quốc gia Mỹ, ông Kuroda cho rằng một số khu vực châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những hậu quả kinh tế của thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra.

Kết quả của một nghiên cứu mới đây của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey (MGI) cho thấy, tác động của tình trạng biến đổi khí hậu tại châu Á có thể nghiêm trọng hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới, ngay cả khi có nhiều cơ hội lớn để đối phó với thách thức này.

Theo đó, các quốc gia đang nổi lên ở châu Á (gồm Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo sẽ chứng kiến nhiệt độ và độ ẩm gia tăng.

Đến năm 2050, các nền kinh tế này có thể phải chịu thiệt hại tương đương 8-13% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do các tác động của hiện tượng nhiệt độ và độ ẩm tăng lên. Ở Indonesia, khả năng xảy ra mưa lớn có thể tăng từ 3-4 lần vào năm 2050. MGI cũng dự báo TP Hồ Chí Minh có thể sẽ thiệt hại từ 500 triệu đến một tỉ USD do một trận lụt lớn tác động trực tiếp tới cơ sở hạ tầng vào năm 2050, đi kèm với đó là chi phí dây chuyền có thể từ 1,5 - 8,5 tỉ USD.

Giám đốc MGI Jonathan Woetzel cho rằng, trong bối cảnh cả thế giới đang tập trung đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng cần được quan tâm đúng mức. Theo ông Woetzel, châu Á đối mặt với các hiểm họa khí hậu và các tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng, do đó phải rất quan tâm tới việc “đóng vai trò tuyến đầu giải quyết các thách thức này”.

Theo MGI, châu Á có thể có khả năng dẫn dắt nỗ lực ứng phó toàn cầu bằng cách tăng cường xem xét những rủi ro của biến đổi khí hậu vào quá trình đưa ra quyết định, đóng vai trò tiên phong trong áp dụng các công nghệ thích ứng và đẩy nhanh quá trình cắt giảm khí phát thải để giảm thiểu những hậu quả tiềm ẩn nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu.

Việt Nam không ngoại lệ

Việt Nam được cho là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu. Đợt mưa lũ ở miền Trung kéo dài từ đầu tháng 10 đến nay là một minh chứng. Bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở kể cả những nơi đã được thiết lập doanh trại quân đội tồn tại ổn định hàng chục năm qua.

Lời cảnh báo từ biến đổi khí hậu - Ảnh 2
Miền Trung đang ngập chìm trong lũ dữ.

Khu vực miền Trung, với đặc điểm tự nhiên mưa lũ lớn, lòng sông dốc và hẹp, cửa sông bị sa bồi và thay đổi qua từng năm, nhiều vùng địa chất yếu,... nên thường xuyên chịu tổn thất lớn về người và tài sản trong mùa lũ hàng năm.

Theo thống kê, tổng lượng mưa luỹ tích từ ngày 15/10 đến ngày 19/10 rất lớn. Khu vực Bắc Trung Bộ: Thanh Hoá - Nghệ An phổ biến 260 - 220 mm, từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế phổ biến 450 - 840 mm. Khu vực Nam Trung Bộ phổ biến 80 - 115 mm (riêng Đà Nẵng - Quảng Ngãi 190 - 320 mm). Một số trạm có mưa lớn như Môn Sơn (Nghệ An) 513 mm, Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 1.868 mm; Trường Sơn (Quảng Bình) 1.198 mm, Hương Linh (Quảng Trị) 1.354 mm…

Không chỉ mưa lũ tại miền Trung, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam cũng chứng kiến nhiều thiên tai dị thường, đó là mưa đá trên diện rộng ở các tỉnh miền núi phía Bắc ở thời điểm vào Xuân; hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long; rét miền Bắc kéo dài tới tận hết tháng 4, tiếp đó xảy ra những đợt nắng nóng 40oC kéo dài và liên tiếp…

Các tổ chức quốc tế cảnh báo, nếu thế giới không thực hiện những hành động khẩn cấp để giảm khí thải, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm ít nhất 0,5 độ C trong 20 năm tới và tiếp tục tăng 2 độ C đến 3 độ C vào cuối thế kỷ XXI. Khí hậu toàn cầu trở nên cực đoan hơn sẽ khiến con người tiếp tục phải trả giá bằng những thiệt hại nặng nề.

Gần 4 năm trước, cộng đồng quốc tế đã tập trung tại Paris để phát triển một cách tiếp cận chung với mục đích chống lại biến đổi khí hậu và đạt được Thỏa thuận Paris. Các quốc gia đã đồng ý đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.

Tuy nhiên, vào tháng 7/2019, nhiệt độ toàn cầu đã vượt quá 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp, bằng hoặc thậm chí vượt qua kỷ lục tháng nóng nhất kể từ khi bắt đầu tiến hành thống kê nhiệt độ. Và xu hướng này tiếp tục còn gia tăng.

Điều này không chỉ dẫn đến sự bất bình đẳng kinh tế cực đoan gây chia rẽ trong xã hội, mà còn làm trì hoãn các nỗ lực xóa đói nghèo trên thế giới, chưa kể cái giá phải trả là làm cạn kiệt “ngân sách carbon”. Một số nhà phân tích cho rằng, không thể giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu nếu không ưu tiên bình đẳng kinh tế.

Biến đổi khí hậu là thách thức lớn mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, nếu các quốc gia không quyết tâm và gấp rút vào cuộc, biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với sự sống của loài người.

Hà Linh

Bạn đang đọc bài viết Lời cảnh báo từ biến đổi khí hậu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới