Thứ sáu, 26/04/2024 13:56 (GMT+7)
Thứ năm, 05/03/2020 17:23 (GMT+7)

Lỗ 5.000 tỉ đồng, Đạm Ninh Bình mắc hàng loạt sai phạm

Theo dõi KTMT trên

Sau 9 năm đưa vào vận hành, sản xuất, nhà máy đạm Ninh Bình rơi vào cảnh thua lỗ gần 5.000 tỉ đồng, càng vận hành càng lỗ.

Lỗ 5.000 tỉ đồng, Đạm Ninh Bình mắc hàng loạt sai phạm - Ảnh 1
Chi phí sửa chữa thường xuyên của Nhà máy đạm Ninh Bình trong giai đoạn 2012-2018 khoảng 345 tỉ đồng.

Lỗ gần 5.000 tỉ đồng, Đạm Ninh Bình càng vận hành càng lỗ

Ban Chỉ đạo trung ương vừa yêu cầu Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán tại Nhà máy đạm Ninh Bình. Theo đó, nhà máy hiện rơi vào cảnh thua lỗ gần 5.000 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu nhà nước 2.600 tỉ đồng.

Trước đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã rót 667 triệu USD đầu tư dự án đạm Ninh Bình. Và sau 9 năm đưa vào vận hành, sản xuất, với giá than hiện nay, nhà máy càng vận hành lại càng lỗ.

Sai phạm nối tiếp sai phạm

Theo Kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Đạm Ninh Bình là do dự án này có nhiều tồn tại, sai sót.

Cụ thể, tổng chi phí dự án đề nghị quyết toán 12.400 tỉ đồng, đội vốn 1.600 tỉ đồng so với tổng vốn đầu tư dự án được duyệt.

Nhiều hạng mục tổng thầu Trung Quốc thi công không phù hợp với thiết kế, chưa nghiệm thu, thậm chí chưa thi công vẫn đưa vào quyết toán. Nhiều hư hỏng tại Nhà máy đạm Ninh Bình đến nay chưa được khắc phục, sửa chữa.

Theo Kiểm toán Nhà nước, trong giai đoạn 2013-2018 Nhà máy đạm Ninh Bình hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, phương án tài chính bị phá vỡ do giá than tăng trên 15%, sản lượng sản xuất tiêu thụ thấp hơn 95%.

Về sản xuất và tiêu thụ, sản lượng thực tế tính theo năm không đạt so với công suất thiết kế và sản lượng sản xuất tại phương án tài chính. Năm 2015, sản lượng nhà máy đạt hơn 380.000 tấn, tương đương 69% công suất thiết kế; năm 2016, sản lượng nhà máy đạt 95.000 tấn, tương đương 17%; năm 2017 sản lượng sản xuất, tiêu thụ đạt gần 190.000 tấn, tương đương 34% lượng tiêu thụ dự báo trong báo cáo tài chính dự án.

Sản lượng chạy máy không đạt công suất thiết kế cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến doanh nghiệp này "hụt vốn" nặng. Thời gian chạy máy trung bình hằng năm mà đạm Ninh Bình cần đảm bảo là 560.000 tấn urê/năm là 320 ngày. Nhưng có năm, thời gian chạy máy của Nhà máy đạm Ninh Bình thấp kỷ lục, chỉ đạt 76 ngày, bằng 23,8% công suất thiết kế (2016).

Thua lỗ được dự báo trước

Trước khi đứng trước nguy cơ làm "mất vốn" nhà nước như hiện nay, nhiều bộ ngành đã có văn bản cảnh báo hiệu quả đầu tư dự án không cao, hồ sơ dự án chưa đề xuất cơ chế xử lý rủi ro trong và sau khi đầu tư nhà máy.

Tuy nhiên, Vinachem vẫn quyết định đầu tư vào dự án. Thậm chí, Vinachem còn phê duyệt khi hội đồng thành viên tập đoàn chưa thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chưa có báo cáo thẩm định công nghệ của Bộ Khoa học và công nghệ.

Vinachem cũng không tuân thủ chỉ đạo của Bộ Công nghiệp ngay trong khâu lập dự án khi chọn công nghệ khí hóa than của Shell và tiêu chuẩn đạm urê của Trung Quốc để đầu tư.

Nhật MyMy

Bạn đang đọc bài viết Lỗ 5.000 tỉ đồng, Đạm Ninh Bình mắc hàng loạt sai phạm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới