Lĩnh vực chuyển đổi số hút vốn FDI
6 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đạt trên 14 tỷ USD. Điều này đã tác động tích cực đến phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, lĩnh vực công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số tại Việt Nam
Sau 35 năm thực hiện chính sách mở cửa thu hút FDI, đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận đầu tư từ 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Dòng vốn ngoại đã hiện diện ở hầu hết các địa phương trong cả nước với những dự án được đầu tư bởi những tên tuổi lớn toàn cầu như Intel, Microsoft, Foxconn, Samsung, Sanyo, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic...
Khắc họa bức tranh toàn cảnh về tình hình thu hút, sử dụng vốn FDI tại Việt Nam, Báo cáo thường niên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 2021 do Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) thực hiện và công bố mới đây nhấn mạnh đến những kết quả đáng khích lệ. Đó là khu vực doanh nghiệp FDI hiện chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội, 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; hơn 70% kim ngạch xuất khẩu. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, làm cho nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào sự thành công trong kinh doanh ở nước ta bằng cách điều chỉnh tăng vốn đầu tư để mở rộng kinh doanh và tăng lợi nhuận.
Theo thông tin, báo chí quốc tế tuần qua cũng có các bài viết đánh giá cao những chính sách thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ của Chính phủ.
Với tiêu đề "Hãy tìm đến Việt Nam để đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số và gia công phần mềm", bài viết trên trang Les Actualites của Pháp nhấn mạnh những lợi thế giúp Việt Nam có thể trở thành một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực gia công và chuyển đổi kỹ thuật số toàn cầu.
Cụ thể, môi trường kinh doanh thuận lợi với nhiều hiệp định thương mại tự do và các chính sách khuyến khích đầu tư của Chính phủ, cùng với lực lượng lao động trẻ am hiểu về công nghệ, chính là những yếu tố các nhà đầu tư có thể hưởng lợi khi đầu tư vào chuyển đổi số tại Việt Nam.
Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm qua còn thể hiện ở sự phổ biến của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tốc độ gia tăng nhanh chóng của số lượng người dùng.
Bài viết trên trang tin OpenGovAsia cho rằng, số lượng thuê bao đăng ký sử dụng dịch vụ thanh toán không tiền mặt Mobile Money đã tăng gấp 4 lần kể từ khi dịch vụ này được tung ra vào tháng 1 năm nay, với hơn 1,72 triệu tài khoản đã thực hiện ít nhất 1 giao dịch.
Những kết quả ấn tượng trong chuyển đổi số tại Việt Nam cũng là yếu tố thu hút đầu tư của các ngân hàng quốc tế. Mới đây, ngân hàng Kasikorn (KBank) của Thái Lan đã thông báo kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam với khoản đầu tư trị giá hơn 75 triệu USD, hướng đến mục tiêu trở thành ngân hàng kỹ thuật số hàng đầu khu vực.
Đối với thị trường Việt Nam, KBank đặt mục tiêu giải ngân hơn 500 triệu USD và thiết lập mạng lưới khách hàng cá nhân là 1,2 triệu người vào năm 2023.
Tăng thu hút đầu tư vào chuyển đổi số ở Việt Nam
Dịch bệnh đã thúc đẩy chuyển đổi số trong điều hành của cơ quan quản lý, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, hay thói quen mua sắm, sử dụng dịch vụ, vui chơi giải trí của người dân.
Có thể thấy, tốc độ chuyển đổi số của Việt Nam trong 2 năm Covid 19 đều tăng nhanh qua các thống kê, xếp hạng chuyển đổi số toàn cầu. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang nhìn nhận Việt Nam là một trung tâm công nghệ mới của châu Á.
"So với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á, tôi tin rằng Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số một cách nghiêm túc. Với tư cách là đại diện cho các công ty châu Âu, tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến nhiều thay đổi mạnh mẽ, ví dụ như số hóa các thủ tục hải quan, dịch vụ hành chính, sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng kỹ thuật số trong quản trị", ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), đánh giá, "bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng người Việt Nam rất tài năng trong phát triển phần mềm và sử dụng công nghệ. Tôi tin rằng với lực lượng nhân tài trong lĩnh vực, Việt Nam sẽ là một quốc gia hàng đầu về tự động hóa, robot và chuyển đổi số. Tiềm năng ở đây là rất lớn".
Theo nhận định của ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội: "Việt Nam đang nằm trong số 3 quốc gia thu hút nhiều cơ hội kinh doanh về chuyển đổi số nhất trong khu vực, bên cạnh Singapore và Indonesia. Đầu tư mạo hiểm vào chuyển đổi số ở Việt Nam đã vượt 1,4 tỷ USD vào năm 2021, so với con số 30 triệu USD vào 5 năm trước. Nhật Bản đã có kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số ở các lĩnh vực như: môi trường, năng lượng, giao thông, hậu cần, sản xuất chế tạo, thiên tai... Doanh nghiệp Nhật Bản có lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm. Còn Việt Nam có thị trường đang phát triển và nguồn nhân lực dồi dào. Vì vậy đôi bên có thể hợp tác, bổ sung lẫn nhau, hình thành mối quan hệ tương hỗ".
Huyền Diệu