Thứ tư, 01/05/2024 04:38 (GMT+7)
Thứ hai, 17/07/2023 11:13 (GMT+7)

Lên phương án di dời gần 30.000 người dân trước khi bão số 1 đổ bộ

Theo dõi KTMT trên

Để chủ động ứng phó với bão số 1, các địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình cũng rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh, dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người.

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức cuộc họp lên phương án ứng phó với bão số 1.

Bão mạnh và hoàn lưu rộng

Phát biểu tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng 17/7, bão số 1 duy trì cường độ cấp 11-12. Lúc 4h, tâm bão cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) 340km về phía đông đông nam.

Theo ông Khiêm, hướng di chuyển của cơn bão này phụ thuộc vào điều kiện hoạt động của cao cận nhiệt đới. Đây là yếu tố chính dẫn đường cho cơn bão. Dựa trên các mô hình dự báo quốc tế và trong nước, cơ quan khí tượng đưa ra nhận định hướng đổ bộ của bão có thể xảy ra theo hai kịch bản.

Kịch bản 1 có xác suất xảy ra 80%, bão duy trì sức gió mạnh cấp 12 khi di chuyển về phía bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sau thời điểm này, bão có thể giảm 1-2 cấp và hướng thẳng vào khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh chiều 18/7.

Do đây là cơn bão mạnh và hoàn lưu rộng, vùng ảnh hưởng của bão bao trùm Bắc Bộ và mở rộng xuống Thanh Hóa, Nghệ An. Trọng tâm mưa lớn là Quảng Ninh, Hải Phòng với thời gian nguy hiểm nhất có gió mạnh trên đất liền là trưa và chiều 18/7.

Lên phương án di dời gần 30.000 người dân trước khi bão số 1 đổ bộ - Ảnh 1
Vị trí tâm bão lúc 10 giờ ngày 17/7.

Kịch bản hai có xác suất xảy ra thấp nhưng vẫn cần đề phòng, sau khi quét qua bán đảo Lôi Châu, bão đi men theo đất liền Trung Quốc rồi đổ bộ vào khu vực giữa Hải Phòng và Quảng Tây (Trung Quốc). Nếu kịch bản này xảy ra, khả năng mưa và gió ảnh hưởng đến đất liền nước ta ít hơn, lượng mưa ở miền Bắc dao động 250-300mm. Ông Khiêm đặc biệt lưu ý nguy cơ sạt lở cao xảy ra ở khu vực miền núi Bắc Bộ, do khu vực này đã tích mưa 5-10 ngày qua.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ảnh hưởng của bão gây mưa lớn kéo dài ở miền Bắc từ đêm 17/7 đến ngày 20/7 với lượng phổ biến 200-400mm, có nơi trên 500mm. Người dân đề phòng nguy cơ ngập úng khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển.

Dự kiến sơ tán gần 30.000 người dân

Theo ông Phạm Đức Luận, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trước diễn biến trên, các địa phương Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến cấm biển từ 12h ngày 17/7; Hải Phòng dự kiến từ 21h ngày 17/7. Các địa phương khác được đề nghị tiếp tục theo dõi diễn biến của bão để xem xét quyết định phù hợp với tình hình thực tế.

Các địa phương từ Quảng Ninh đến Ninh Bình cũng rà soát phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm và trên các lồng bè, chòi canh, dự kiến sơ tán khoảng 29.887 người. Trong đó số người dự kiến sơ tán ở Quảng Ninh là 700, Hải Phòng 8.691, Thái Bình 19.021, Nam Định 1.128 và Ninh Bình 347.

Theo báo cáo của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h sáng 17/7, đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 52.000 tàu với hơn 226.000 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh.

Hiện, không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, Văn phòng thường trực đề nghị địa phương quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.

Về công tác ứng phó với diễn biến của bão, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, bão có thay đổi về tốc độ, đang mạnh lên và hướng đi có thể đổi một chút. Tuy nhiên, diễn biến của bão thì chúng ta theo rất sát các dự báo, đây là những thuận lợi trong việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thực tế qua quá trình kiểm tra tại 3 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Trung tướng Bình cho biết, tình trạng chung ở một số tỉnh phía Bắc là một số công trình phòng chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai từ đợt trước vẫn đang làm, nhiều điểm sạt lở vẫn đang khắc phục, phần nào vẫn chưa xong.

“Sắp tới đây bão vào thì tôi cho rằng gió không mạnh lắm nhưng hoàn lưu bão tương đối rộng và sẽ gây mưa rất lớn”, ông Bình nói.

Về phía Bắc cơ bản địa hình dốc, một số điểm sạt lở chưa xong, tới đây mưa nhiều sẽ gây sạt lở ngay chính khu vực đang khắc phục. Chính vì vậy, ông Bình khuyến nghị các địa phương phải có cái phương án mà cảnh báo, có phương án nếu tiếp tục sạt lở.

Thứ trưởng Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể, đối với từng lĩnh vực, thứ nhất, về hàng không thì dự kiến sân bay Cát Bi và sân bay Vân Đồn sẽ bị ảnh hưởng. Các sân bay như Nội Bài, Thọ Xuân, Điện Biên sẽ bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Các cảng hàng không này đang triển khai kế hoạch ứng phó và điều chỉnh lịch bay tuyến bay cho phù hợp với diễn biến của cơn bão cũng như công tác ứng phó tại các nhà ga, chằng chống nhà xưởng, kho thiết bị và các cái máy bay neo đậu.

Thứ hai là về đường bộ và đường sắt thì các khu quản lý đường bộ và đường sắt ở miền Bắc và miền Bắc Trung bộ đang triển khai công tác ứng phó. Triển khai phương án dừng tàu thì có bão rồi xử lý sự cố, điều tiết giao thông, các cái đoạn sạt lở, ngập nước rồi chuyển tải hàng hóa, hành khách và đảm bảo thông tuyến kịp thời.

Về hàng hải và đường thủy thì dự kiến các cái khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên thì hiện nay các lĩnh vực đang được triển khai ở cả nước để điều tiết tàu thuyền ở trên biển.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải chia sẻ đã triển khai liên lạc trực tiếp với các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, hướng dẫn thực hiện các giải pháp an toàn theo phương án tránh bão đã được phê duyệt.

Không được chủ quan, lơ là

Sau khi nghe một số bộ, ngành, địa phương báo cáo, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, bão Talim khởi động cho mùa mưa bão năm nay. Qua báo cáo, ông nhận thấy mọi công tác chuẩn bị được thực hiện một cách tích cực.

Dù vậy, Phó Thủ tướng lo ngại việc các bộ, ngành, địa phương cho rằng bản thân có kinh nghiệm có thể làm mất cảnh giác, chủ quan khi ứng phó với cơn bão này.

Lên phương án di dời gần 30.000 người dân trước khi bão số 1 đổ bộ - Ảnh 2
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo cuộc họp (Ảnh: Vân Anh).

Vì vậy, ông Quang lưu ý các đơn vị lấy công điện của Thủ tướng làm "kim chỉ nam" để thực hiện các công việc. Trường hợp không kịp xin ý kiến cấp trên cần đối chiếu với công điện để xử lý.

Nhấn mạnh mục tiêu không có thiệt hại về người và giảm thiểu mức tối đa thiệt hại về tài sản, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương không chủ quan lơ là, chủ động, linh hoạt phối hợp tốt trong cung cấp thông tin và ứng xử trong trường hợp cụ thể. Cuộc họp kết thúc sớm để các đơn vị khẩn trương triển khai phương án ứng phó với bão.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 10h ngày 17/7, Vị trí tâm bão (lúc 10 giờ ngày 17/7): khoảng 20.3 độ Vĩ Bắc; 112.7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (118-133km/h), giật cấp 15. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15-20km/h.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Lên phương án di dời gần 30.000 người dân trước khi bão số 1 đổ bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).