Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất 2024
Chiều ngày 22/3/2024, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 kết hợp với Hội thảo Khoa học.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 với chủ đề “Nước cho hòa bình”, Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 với chủ đề “Khí tượng Thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu” và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 với chủ đề “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”, nhằm kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết hành động và hợp tác để bảo vệ tài nguyên nước; chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cùng với thế giới hướng tới mục tiêu chung Net Zero vào năm 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.
Đến dự có lãnh đạo Bộ TN&MT; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức quốc tế; các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan thông tấn báo chí và cơ quan, tổ chức có liên quan.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho rằng, chủ đề của Ngày Nước thế giới “Nước cho hòa bình”, Ngày Khí tượng thế giới “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu” và Chiến dịch giờ Trái đất “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero” năm 2024 có sự gắn kết chặt chẽ, qua đó kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng nhằm tăng cường các giải pháp, xây dựng các kế hoạch, chiến lược, hành động vì khí hậu, tập trung vào tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Tăng cường năng lực và chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đối số, ứng dụng cộng nghệ cao trong lĩnh vực khí tượng thủy văn; lan toả sử dụng tiết kiệm năng lượng cho tương lai bền vững của hành tinh và nhân loại trong hành trình hướng tới NetZero.
Hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Công Thành trân trọng đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở Trung ương, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực, chung tay hành động vì khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo sức lan toả lớn trong toàn xã hội vì tương lai bền vững.
Trong đó, rà soát, cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hoá và nội luật hoá những nội dung điều ước, thoả thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, nhất là việc thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường (đất đai, nước, khí hậu, khoáng sản, năng lượng,...); tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam cho rằng, ngày nay nhân loại đều đang phải chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài, lũ lụt với cường độ tần suất ngày một lớn. Đây là những nguyên nhân chính làm gia tăng cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn tài nguyên nước ngày càng trầm trọng hơn ở khắp mọi nơi. Theo đó, khi mọi người không được tiếp cận nước một cách bình đẳng hoặc không có khả năng tiếp cận nước ngọt thì xung đột có thể xảy ra giữa các cộng đồng, địa phương, thậm chí các quốc gia.
Vì vậy, theo ông Văn Ngọc Thịnh, để giải quyết được các cuộc khủng hoảng và thách thức mang tính sống còn này thì không còn cách nào khác là chung tay hành động và đóng góp của tất cả chúng ta, từ cấp độ quốc gia cho đến mọi người trên khắp thế giới.
Kim Ngân