Thứ năm, 21/11/2024 19:55 (GMT+7)
Thứ bảy, 23/03/2024 06:00 (GMT+7)

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại

Theo dõi KTMT trên

Bắt đầu từ năm 2007, Giờ Trái đất như một thông lệ hằng năm nhắc nhở mọi người cùng nhau bảo vệ hành tinh xanh thông qua việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả. Lan tỏa thông điệp “Hãy tiết kiệm điện để mỗi giờ đều có thể là “Giờ Trái đất”.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 1

Bắt đầu từ năm 2007, Giờ Trái đất như một thông lệ hằng năm nhắc nhở mọi người cùng nhau bảo vệ hành tinh xanh thông qua việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hiệu quả. Lan tỏa thông điệp “Hãy tiết kiệm điện để mỗi giờ đều có thể là “Giờ Trái đất”

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 2

Năng lượng cũng được coi là vấn đề quan trọng hàng đầu của mọi quốc gia hiện nay. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các ngành sản xuất như công nghiệp, nông nghiệp, tiêu dùng. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cách hiệu quả cải thiện nền kinh tế, giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và đóng góp và quá trình chung giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

Đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển ngành năng lượng bền vững là những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Năm 2020 Nghị quyết số 55 của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu tổng quát là “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân”.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 3
Năng lượng trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. 

Năm 2010, Quốc hội ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, đây được coi là dấu mốc quan trọng để Luật hóa vấn đề cấp bách này ở Việt Nam. 

Nhu cầu tiêu thụ điện thương phẩm giai đoạn 2016-2022 của Việt Nam tăng trưởng bình quân 7,72%/năm. Trong đó, nhiều thời điểm mùa khô, phụ tải toàn quốc tăng cao đột biến (tăng tới hơn 12% so với cùng kỳ). Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá việc cung cấp điện trong giai đoạn 2020- 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Vì vậy song song với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đón vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 4
Nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng cao. 

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ Phương Hoàng Kim cho biết: Nhu cầu năng lượng của Việt Nam không ngừng tăng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm tới, việc đảm bảo cung cấp điện sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Vì vậy, cùng với việc khai thác các nguồn năng lượng sơ cấp để đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế và toàn xã hội thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. “Đây sẽ là giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính”, ông Phương Hoàng Kim nhấn mạnh.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 5

Một trong những sự kiện lớn nhất toàn cầu về tiết kiệm năng lượng là chiến dịch Giờ Trái đất. Đây là sự kiện quốc tế hằng năm do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên khởi xướng từ năm 2007 nhằm kêu gọi người dân, doanh nghiệp tắt đèn và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong 60 phút (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30 ngày Thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 hàng năm). 

Mục đích của Giờ Trái đất nhằm đề cao việc tiết kiệm điện năng, làm giảm lượng khí thải nhà kính, đồng thời thu hút sự chú ý của mọi người về bảo vệ môi trường. Mỗi năm, chiến dịch Giờ Trái đất sẽ được phát động với mỗi chủ đề khác nhau, năm 2024 là chủ đề “Tiết kiệm điện - Thành thói quen”. Tại Việt Nam, đây cũng là thông điệp của Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. 

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 6
Trụ sở LHQ tại New York tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất.

Từ quốc gia đầu tiên với hơn 2,2 triệu người tham gia, đến nay chiến dịch Giờ Trái Đất đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố thuộc hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có Việt Nam. Năm 2021 là năm thứ 13 Việt Nam chính thức tham gia và tổ chức sự kiện Chiến dịch Giờ Trái đất. Thông qua hoạt động cùng nhau tắt đèn và các  thiết bị điện không cần thiết trong một giờ đồng hồ là hành động thiết thực thể hiện sự ủng hộ của con người đối với hành tinh, trách nhiệm của mỗi người đối với việc bảo vệ môi trường, sự đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì sự phát triển xanh và bền vững.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 7
Sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. 

Nguyên tắc tiết kiệm điện đơn giản là “sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, tắt khi không sử dụng”. Tuy nhiên, cùng với ý thức tiết kiệm năng lượng, mỗi người cũng cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng để sử dụng điện đúng cách và hiệu quả. Từ hành động cụ thể của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình đến cộng đồng có thể thấy tiết kiệm năng lượng giờ đây không còn là ý tưởng hay phong trào nhỏ lẻ mà thực sự là một thói quen thiết thực có thể thay đổi cuộc sống con người trên toàn cầu.

Theo đó, điều mà chúng ta cần hướng đến không đơn giản chỉ là tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường trong 1 giờ đồng hồ, mà là xây dựng một lối sống có ý thức, có trách nhiệm trong suốt 365 ngày, để mỗi giờ trong năm đều là “Giờ Trái đất”. 

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 8

Chiến dịch Giờ Trái đất thông qua hành động tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ đồng hồ là hành động góp phần không nhỏ vào việc tiết kiệm điện năng, giảm thiểu khí thải CO2, giảm hiệu ứng nhà kính, chống biến đổi khí hậu. 

Qua đó nâng cao ý thức con người, không chỉ tắt đèn tiết kiệm điện chỉ trong 1 giờ đồng hồ của sự kiện Giờ Trái đất, mà mọi người hãy tiết kiệm điện bất cứ lúc nào, trở thành việc làm thường xuyên trong đời sống để bảo vệ Trái đất; cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Bà Phạm Cẩm Nhung, Quản lý Chương trình Khí hậu và Năng lượng của WWF-Việt Nam chia sẻ: Thiên nhiên ban tặng cho con người rất nhiều điều thiết yếu trong cuộc sống, từ không khí chúng ta đang thở, thực phẩm, nước uống chúng ta dùng hàng ngày. Về cơ bản, con người hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên. 

Giờ Trái đất chính là cơ hội để chúng ta cùng nhìn lại và suy ngẫm. Bên cạnh hành động tắt đèn, mỗi người có thể làm nhiều điều thiết thực để bảo vệ ngôi nhà chung duy nhất, bằng cách giảm dấu chân carbon và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. 

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 9

“Giảm dấu chân carbon - Hướng tới Net Zero” là lời kêu gọi của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương nhân sự kiện Giờ Trái đất 2024 tại Việt Nam. Giảm dấu chân carbon đồng nghĩa với giảm phát thải, là một trong những yếu tố tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Đây cũng là “vũ khí” giúp ứng phó với biến đổi khí hậu - thách thức lớn nhất mà loài người đang phải đối mặt.

Năm nay, WWF-Việt Nam chính thức giới thiệu nền tảng Ngân hàng thời gian (Hour Bank), với kỳ vọng có thể nhận ít nhất 10.000 giờ ủng hộ Trái đất từ công chúng Việt Nam. Bên cạnh các hoạt động trực tuyến trên các phương tiện truyền thông đại chúng và mạng xã hội, nhiều sự kiện trực tiếp cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi cộng đồng cùng hành động vì mục tiêu chung của Việt Nam.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 10
Lượng điện Việt Nam tiết kiệm được qua sự kiện giờ Trái Đất. 

Năm ngoái, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, ngày 25/3/2023), cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 298.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 555,6 triệu đồng). 

Tuy sản lượng điện tiết kiệm được trong 1 giờ hưởng ứng Chiến dịch không nhiều (trung bình khoảng 400.000 kWh/năm) nhưng trên hết, ý nghĩa Giờ Trái đất không chỉ dừng lại ở con số này, mà còn là sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của cộng đồng trong tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 11

Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) chia sẻ, thông điệp của Giờ Trái đất gửi đến cộng đồng không chỉ là tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường trong một giờ, mà chúng ta phải thực hành nó thường xuyên trong suốt 365 ngày của cả một năm. Ông kỳ vọng, tác động về mặt truyền thông tuyên truyền của Chiến dịch Giờ Trái đất đã được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.

Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại - Ảnh 12
Nhiều hoạt động diễn ra nhằm hưởng ứng Giờ Trái Đất 2024. 

Vì tương lai con em chúng ta, vì sự phát triển bền vững của nhân loại mỗi chúng ta hãy sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả. Ta có thể bắt đầu từ ngày hôm nay bằng việc tắt bớt bóng đèn, tivi khi không sử dụng, lựa chọn thiết bị tiết kiệm điện năng để mỗi giờ trôi qua đều là “Giờ Trái đất”. 

Giờ Trái đất là sự kiện quốc tế diễn ra hàng năm do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) khởi xướng từ năm 2007. Chiến dịch kêu gọi các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút.

Năm 2009, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất với sự tham gia của 6 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và Nha Trang. Đến nay, sau 15 năm tổ chức, chiến dịch đã tạo chuyển biến tích cực trong cộng đồng về nhận thức ý nghĩa, lợi ích của việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kim Ngân

Bạn đang đọc bài viết Giờ Trái đất năm 2024: Tắt đèn vì sự phát triển bền vững của nhân loại. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: toasoanktmt@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Thanh Hóa: Đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản quy định tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành văn bản về việc đẩy nhanh tiến độ tham mưu, xây dựng các văn bản theo thẩm quyền quy định chi tiết việc thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật.