Thứ bảy, 27/04/2024 01:10 (GMT+7)
Thứ tư, 25/12/2019 14:30 (GMT+7)

Lấp hồ Thành Công xây chung cư: 'Chuyện thật như đùa'

Theo dõi KTMT trên

Thời gian gần đây dư luận lại dậy sóng với đề xuất lấp hồ Thành Công để xây dựng chung cư của Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico).

Lấp hồ Thành Công xây chung cư: 'Chuyện thật như đùa' - Ảnh 1
Lấp hồ Thành Công xây chung cư: “Chuyện thật như đùa”

Quyết tâm với phương án “lấp” hồ

Theo thông tin đăng tải trên báo Tiền phong, để cải tạo khu tập thể Thành Công, có 2 phương án được đề xuất. Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng. Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao!

Chủ đầu tư cho rằng, với phương án này nhà nước không cần hỗ trợ; công năng của hồ nước không đổi vì diện tích bù đắp lớn hơn…

Trước đó, hồi tháng 4/2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo Vihajico đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ.

Nhận định về đề xuất này, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng: Các hồ nước đang góp phần tạo nên bản sắc, diện mạo của Hà Nội, trong đó có hồ Thành Công. Các hồ nước gắn với cảm xúc, kỷ niệm của người dân và tham gia vào bảo vệ môi trường, cảnh quan... Thay đổi diện mạo của hồ để giảm diện tích không gian trống tiếp cận với đường là làm giảm lợi ích chung của cộng đồng dân cư đang được hưởng.

Điều đáng nói là đi liền với việc lấp đi một góc hồ, chủ đầu tư lại đề xuất khai thác chính quỹ đất đó để xây dựng chung cư cao tầng khai thác lợi thế kinh doanh.

“Chủ đầu tư muốn chuyển cái lợi ích cộng đồng thành lợi ích của một số cá nhân, doanh nghiệp. Về giải pháp đưa thêm cây xanh, mặt nước vào khu trung tâm của khu Thành Công là giải pháp tốt nhưng không được “đánh đổi” bằng lấp đi một phần hồ nước!”, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho hay.

Mặc dù một số cơ quan chức năng của Hà Nội cho rằng, đây là “ý tưởng có thể ghi nhận”, nhưng theo một số chuyên gia về đô thị, trường hợp nhà đầu tư cho lấp một phần hồ nước và xây dựng các tòa cao ốc ở góc hồ Thành Công sẽ tác động nghiêm trọng đến không gian, cảnh quan tại đây.

Hồ Thành Công vốn đã bị thu hẹp nay càng chật hẹp hơn. Diện tích mặt nước có thể không thay đổi nhưng hàng loạt chung cư cao tầng vây quanh hồ chẳng khác nào biến hồ Thành Công thành “ao làng” tù túng. Góc ngã tư mà chủ đầu tư đề xuất xây cao tầng là phần rất cần được bảo vệ.

Sao cứ phải lấp hồ mới xây được chung cư

Nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao. Đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia.

Trao đổi với Tiền phong trước đó về đề xuất "lấp" hồ Thành Công xây chung cư cao tầng, TS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, cải tạo chung cư cũ sẽ có nhiều giải pháp, không phải lấy diện tích hồ, tài sản của cộng đồng để thực hiện. Bởi hồ Thành Công đóng vai trò điều hòa, thu gom nước mưa khi trời mưa tránh nguy cơ ngập lụt cho thành phố. Hơn nữa, hồ còn đóng vai trò là cảnh quan đô thị, tạo ra khí hậu tốt cho cảnh quan xung quanh, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng.

“Không ai làm chuyện ấy, hồ là hồ, không thể lấy đi một phần diện tích hồ xây dựng nhà chung cư rồi lại đào chỗ khác bù vào, không thể hoán đổi ví trí vậy được. Đề xuất không khả thi, không thể thực hiện bởi hồ có ví trí riêng của nó”, ông Tùng nhấn mạnh.

Cũng không đồng ý với đề xuất phương án cải tạo tập thể cũ Thành Công, bà Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất bức xúc tại Hà Nội. Ô nhiễm môi trường đang tác động rất lớn tới xã hội, sự phát triển bền vững của xã hội…

“Đây là chuyện ngược đời, bởi người ta tạo thêm hồ còn không được, đằng này lại đòi lấp một phần hồ. Hồ là “lá phổi” để điều hòa nước, không khí và môi trường. Chúng ta đã nhìn rõ hậu quả của việc lấp hồ, lấp cống trong quá trình xây dựng, đó là tình trạng ngập lụt trong thành phố”, bà An nhấn mạnh.

Cũng theo bà An, đề xuất là quyền của doanh nghiệp, nhưng lãnh đạo Hà Nội chắc chắn không bao giờ chấp nhận. Bởi, chính quyền luôn đứng về quyền lợi của đại đa số người dân. Cũng như, Chính phủ đã chỉ đạo “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Trao đổi với PV báo VTC, ông Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, cải tạo chung cư cũ phải theo quy hoạch, không phải thích xây ở đâu cũng được. Việc lấp hồ Thành Công theo ông Nghiêm là không hợp lý.

“Phải đảm bảo cho Hà Nội phát triển ổn định lâu dài, tuân thủ theo quy hoạch. Nếu đặc biệt thì phải cân đối trên toàn địa giới Thủ đô chứ không phải nhấn vào một vùng nào”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc lấp hồ Thành Công để xây dựng chung cư cần phải cân nhắc cẩn thận.

Theo ông Võ, hồ Thành Công là hồ lâu đời ở Hà Nội, đã gắn bó mật thiết với người dân. Ông Võ cho rằng, việc chủ đầu tư lấp hồ để xây nhà cao tầng, rồi lại đào hồ để mở rộng diện tích lòng hồ chắc chắn có yếu tố lợi ích, kinh tế.

“Không ai lại bỏ chi phí đi lấp hồ, rồi đào hồ. Phải chăng CĐT muốn lấp hồ ở vị trí đất vàng, rồi đào hồ ở vị trí ít giá trị hơn?”, ông Võ đặt câu hỏi.

Chính vì vậy, theo ông Võ, đề xuất này có một vấn đề cần lưu ý đặc biệt là nhà nước cần tính toán kỹ chi phí thực hiện của nhà đầu tư, tránh tình trạng nhà đầu tư “ôm” được đất vàng, bán nhà giá cao, hưởng lợi quá lớn.

Bạn đang đọc bài viết Lấp hồ Thành Công xây chung cư: 'Chuyện thật như đùa'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tổng Thư ký ASEAN: Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng
Theo Tổng Thư ký ASEAN, Việt Nam có tầm nhìn xa, trông rộng và với vị thế là thành viên chủ chốt của ASEAN, Việt Nam có thể đóng một vai trò tiên phong trong một số lĩnh vực, Diễn đàn Tương lai ASEAN có thể phát huy vai trò tiên phong trên nhiều cấp độ.

Tin mới