Chủ nhật, 24/11/2024 13:43 (GMT+7)
Thứ tư, 17/07/2024 12:00 (GMT+7)

Lào Cai: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã phát triển

Theo dõi KTMT trên

Ngày 17/7, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế tập thể nhằm tham luận, trao đổi, thảo luận tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hợp tác xã.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Lào Cai thành lập mới 14 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt 515 hợp tác xã với 7.568 thành viên, trong đó có 72,6% hợp tác xã đang hoạt động. Doanh thu bình quân của hợp tác xã ước đạt 918 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt 48 triệu đồng/năm.

Lào Cai: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã phát triển - Ảnh 1
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam - bà Cao Xuân Vân Thu cùng Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - Trịnh Xuân Trường chủ trì hội nghị.

Với sự quan tâm sát sao của Tỉnh ủy Lào Cai, sự chỉ đạo điều hành linh hoạt, hiệu quả của UBND tỉnh Lào Cai, cùng sự phối kết hợp của các cấp, các ngành, địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm duy trì ổn định, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Lào Cai.

Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị truyền thống, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nghệ cao để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chất lượng (VietGap, hữu cơ, GlobalGap, OCOP...) như: Mô hình hợp tác xã cá hồi, cá tầm Thức Mai (thị xã Sa Pa); mô hình sản xuất, chế biến chè chất lượng cao Bản Liền (huyện Bắc Hà), chè Mường Khương, hợp tác xã Bản Xen (huyện Mường Khương)…

Một số hợp tác xã đã bắt đầu hình thành liên kết với nhau và doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, tổng giá trị liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt 1.283 tỷ đồng. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế hộ thành viên, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Lào Cai còn nhiều tồn tại, hạn chế.Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã vào ngân sách tỉnh Lào Cai hằng năm thấp (ước chỉ đạt 0,1% mỗi năm), tăng trưởng chưa xứng với tiềm năng, thiếu bền vững.

Số lượng và quy mô của hợp tác xã trên địa bàn còn nhỏ. Hiệu quả hoạt động của phần lớn các hợp tác xã chưa cao; đa số hợp tác xã hiện nay mới chỉ thực hiện được một số dịch vụ đầu vào của sản xuất; nhiều hợp tác xã gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào quản lý, sản xuất còn hạn chế, sức cạnh tranh của một số sản phẩm trên thị trường chưa cao. Liên kết giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp trong sản xuất chưa nhiều và chưa mang tính ổn định. Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ.

Tỷ lệ hợp tác xã được tiếp cận, thụ hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển hợp tác xãcòn ở mức thấp; do điều kiện, thủ tục thụ hưởng còn phức tạp, chậm trễ.

Lào Cai: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã phát triển - Ảnh 2
Hợp tác xã chè Hướng Tâm (xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) kiến nghị với Thường trực UBND tỉnh Lào Cai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đơn vị.

Ngoài ra, năng lực nội tại, đặc biệt là vốn, cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý của các hợp tác xã còn yếu; tính liên kết, hợp tác trong hợp tác xã chưa cao, thành viên chưa tham gia tích cực vào hoạt động chung của hợp tác xã; Khả năng mở rộng quy mô, đa dạng hóa ngành nghề, tiếp cận với các chương trình, dự án cũng như các nguồn vốn tín dụng của các hợp tác xã còn hạn chế... Tỷ lệ hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể còn cao, chiếm 27,4%.

Nguyên nhân của hạn chế là do nhận thức của một bộ phận cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của kinh tế tập thể còn chưa đầy đủ, thiếu thống nhất. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể tuy nhiều nhưng dàn trải, phân tán, chủ yếu là lồng ghép, thiếu tập trung, chưa thống nhất, thiếu nguồn lực.

Phần lớn các thành phần kinh tế tập thể vẫn còn tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, chưa mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Quy mô hợp tác xã nhỏ, sản xuất của thành viên ở nhiều nơi còn mang tính tự cấp, tự túc nên nhu cầu hợp tác chưa cao, nhiều hợp tác xã chưa nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động liên doanh, liên kết trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã chưa cao, hạn chế trong việc đưa ra chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo cơ chế mới và tìm kiếm thị trường…

Đức Mậu - Trần Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Lào Cai: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã phát triển. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới